Phân hóa lợi nhuận 6 tháng khối bảo hiểm nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa công bố cụ thể, nhưng báo cáo nhanh từ các công ty bảo hiểm nhân thọ cho thấy tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của khối này đạt gần 11.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 4 công ty dẫn đầu.
Phân hóa lợi nhuận 6 tháng khối bảo hiểm nhân thọ

Lợi nhuận 4 công ty dẫn đầu chiếm tỷ trọng gần 87%

Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, trong đó công ty con sở hữu 100% vốn là Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ ước ghi nhận 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021 và 20.174 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 9,5% và tiếp tục dẫn đầu thị trường nhân thọ về tổng doanh thu phí.

Hiện tại, ngoài Bảo Việt Nhân thọ, 19 công ty bảo hiểm nhân thọ khác chưa công bố số liệu chính thức (khối nhân thọ thường công bố chậm hơn khối phi nhân thọ), nhưng theo báo cáo nhanh, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của khối nhân thọ ước đạt hơn 10.671 tỷ đồng.

Trong đó, Manulife dẫn đầu với 4.397 tỷ đồng, các vị trí tiếp theo lần lượt là Prudential với gần 1.998 tỷ đồng, Dai-ichi Life là 1.787 tỷ đồng, AIA là gần 1.070 tỷ đồng, cũng là 4 công ty nhân thọ đạt lợi nhuận nghìn tỷ trở lên trong 6 tháng đầu năm 2022 và chiếm tỷ trọng lên tới 86,7% tổng lợi nhuận trước thuế toàn khối.

Chubb Life đứng ở vị trí thứ 5, nhưng cách khá xa so với AIA, ước đạt gần 677 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ chỉ xếp thứ 6 tính theo chỉ tiêu lãi trước thuế ước đạt 590 tỷ đồng, dù dẫn đầu về tổng doanh thu phí. Các vị trí từ thứ 7 đến thứ 10 lần lượt là Cathay Life (454 tỷ đồng), Generali (424,9 tỷ đồng), Hanwha Life (243 tỷ đồng) và MIV Life (210,1 tỷ đồng).

MB Ageas nằm trong nhóm dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, ước đạt 2.197 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế 6 tháng ước chỉ khoảng 33,1 tỷ đồng, nằm trong 4 công ty bảo hiểm lãi khiếm tốn nhất khối gồm MAP life (33,4 tỷ đồng), BIDV Metlife (8,7 tỷ đồng) và Shinhan Life (5,1 tỷ đồng).

4 công ty lỗ trên 1.300 tỷ đồng

Bên cạnh các công ty có lãi, thị trường nhân thọ ghi nhận 4 công ty ước lỗ trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 với tổng số lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, lần lượt là FWD Việt Nam (-657 tỷ đồng), Sun Life (-506 tỷ đồng); Phú Hưng Life (-130,3 tỷ đồng) và Fubon (-7,5 tỷ đồng).

Phóng viên đã liên hệ với ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng giám đốc FWD Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, theo nguyên tắc của Tập đoàn (công ty mẹ), hiện chưa thể chia sẻ thông tin kết quả kinh doanh của Công ty giai đoạn này.

Thông thường, lợi nhuận tại các công ty bảo hiểm nhân thọ bao gồm lợi nhuận thu từ bảo hiểm và lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó lợi nhuận từ bảo hiểm là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí.

Những hợp đồng bảo hiểm độc quyền “khủng” ký giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm nhân thọ thời gian qua khiến một số công ty bảo hiểm thua lỗ trong những năm đầu, bởi tổng doanh thu tăng lên từ kênh này chưa bù kịp với tổng chi phí bỏ ra do phải mất phí trả trước (upfront fee). Trong năm 2020, từng có công ty bảo hiểm ghi nhận tổng chi phí lên tới 4.394 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với doanh thu, dẫn đến việc phải tăng mạnh vốn trong năm 2021 để đảm bảo khả năng thanh toán theo luật định.

Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2021, các công ty nhân thọ đã tăng thêm tổng cộng 23.501 tỷ đồng vốn, nâng tổng mức vốn điều lệ lên 117.572 tỷ đồng. Trong đó, 3 công ty bảo hiểm có vốn điều lệ lớn nhất là Sun Life, FWD và Manulife đều ký độc quyền bán bảo hiểm với ngân hàng (Sun Life và ACB, Manulife và VietinBank, FWD và Vietcombank).

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) vừa được ban hành, doanh nghiệp bảo hiểm được coi là bảo đảm an toàn tài chính khi đáp ứng các quy định về vốn, khả năng thanh toán và đầu tư. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động rà soát hệ thống quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm lẫn hoạt động tài chính, bảo đảm hiệu quả kinh doanh cũng như an toàn tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định các trường hợp áp dụng biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm… để bảo đảm an toàn tài chính. Về khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đáp ứng trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ lẫn bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn.

Theo một chuyên gia từng tư vấn “deal” lớn hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và nhà bảo hiểm, khoản chi phí lớn ban đầu từ hợp tác độc quyền bảo hiểm - ngân hàng nói riêng, khai thác kinh doanh nói chung thường dẫn đến lỗ lớn trong những năm đầu, nên việc công ty bảo hiểm phải tăng vốn để đảm bảo khả năng toán là dễ hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh sau này, hợp đồng bảo hiểm được ký giữa khách hàng và công ty bảo hiểm là thật, được tái tục đều đặn hàng năm nên khoản lỗ sẽ giảm dần, thậm chí có thể sớm có lãi nếu hoạt động đầu tư tài chính suôn sẻ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục