Bảo hiểm phi nhân thọ trước mối lo bồi thường tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bồi thường tăng đang là mối lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bất chấp doanh thu phí tăng mạnh.
Tình trạng gian lận bảo hiểm gia tăng cũng khiến tỷ lệ bồi thường tăng cao. Ảnh: Dũng Minh Tình trạng gian lận bảo hiểm gia tăng cũng khiến tỷ lệ bồi thường tăng cao. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm

Trích lập dự phòng tăng, bồi thường cũng bắt đầu tăng trở lại, trong khi các kênh đầu tư chưa thấy tín hiệu khả quan, khiến lợi nhuận nửa đầu năm 2022 của hầu hết doanh nghiệp phi nhân thọ đều không như kỳ vọng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 1.877,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 150,7 tỷ đồng, hoàn thành 60,3% kế hoạch cả năm, nhưng giảm so với con số hơn 202 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã MIG), báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.335 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.020 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 11,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động đầu tư trong kỳ chỉ bằng 68,4% cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận trước thuế trong kỳ thấp hơn cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của MIC đạt xấp xỉ 2.063 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 27%, đạt 107,2 tỷ đồng.

Với Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI), trong 2 quý đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm đạt 2.832,2 tỷ đồng, tăng 14,54% so với cùng kỳ 2021, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.538,3 tỷ đồng (tăng 14,89%), doanh thu nhận tái bảo hiểm đạt 293,96 tỷ đồng (tăng 11,58%)...; lợi nhuận trước thuế ước đạt 171,4 tỷ đồng, hoàn thành 50,42% kế hoạch cả năm 2022 và nằm trong số ít doanh nghiệp phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận tương đương cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 mới đây, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (mã BIC) - ông Trần Hoài An cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 36,7% và hoàn thành 57,3% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 36,9% - cao hơn gần 3 lần tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường và hoàn thành 56,6% kế hoạch năm.

Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh nửa đầu đầu năm của BIC là sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động bán lẻ với động lực chính tới từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) với mức tăng trưởng hơn 73%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế bán niên năm 2022 của BIC đạt 120, 4 tỷ đồng, giảm 31,53% so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng gần 4%, trong khi lợi nhuận hoạt động đầu tư giảm hơn 24%.

Được biết, trong năm nay, BIC đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ 3.310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 435 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, BIC sẽ phải kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới không cao hơn mức bình quân của thị trường, bên cạnh nâng cao hiệu quả quản lý chi phí hoạt động, khai thác tối đa cơ chế lãi suất của các ngân hàng để gia tăng lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính mà vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn…

Gian lận bảo hiểm gia tăng

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.252 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; bồi thường 9.489 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường là 28,5% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Một số nghiệp vụ ghi nhận bồi thường tăng có thể kể đến là bảo hiểm xe cơ giới với tỷ lệ bồi thường chiếm 41% tổng doanh thu (trong đó, bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện có tỷ lệ bồi thường chiếm gần 50% doanh thu nghiệp vụ); bảo hiểm sức khỏe có tỷ lệ bồi thường chiếm hơn 27%; bảo hiểm cháy nổ tự nguyện bồi thường chiếm gần 50% doanh thu nghiệp vụ...

Chia sẻ tại diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, năm 2022 lạm phát sẽ tương đối cao, ngân hàng trung ương các nước đang trong xu hướng tăng lãi suất và điều này tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo chậm lại trong năm nay, dự kiến khoảng 10-15% so với mức tăng của năm trước, đây là điều bất lợi cho hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà bảo hiểm.

Đáng chú ý, một mối lo lớn hơn mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt là tỷ lệ bồi thường tăng lên. Hơn 2 năm trước, tỷ lệ này giảm do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhưng nay các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường nên tỷ lệ bồi thường sẽ tăng cao, chưa kể gian lận bảo hiểm đang trong tình trạng báo động cũng tác động tới lợi nhuận.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, gian lận bảo hiểm có dấu hiệu ngày càng trở nên nghiêm trọng khi bảo hiểm sức khỏe và các sản phẩm bổ trợ sức khỏe đang được các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh thời gian gần đây. Đặc biệt, đã xuất hiện các đội nhóm đại lý có hành vi gian lận bảo hiểm có tổ chức, có dấu hiệu tiếp tay hoặc lỏng lẻo trong quy trình khám cấp hồ sơ bệnh án của một số cơ sở y tế... Do đó, Hiệp hội đã thành lập Nhóm làm việc phòng chống trục lợi bảo hiểm để cùng trao đổi, thảo luận các giải pháp trong cả ngắn, trung và dài hạn nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục