Bảo hiểm phi nhân thọ thắt chặt rủi ro

(ĐTCK) Dù hầu hết các hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, tài sản kỹ thuật, hàng hóa, thân tàu... đều có giá trị lớn và được san sẻ bồi thường nhờ tái bảo hiểm, nhưng vì có mức độ rủi ro cao nên các doanh nghiệp phi nhân thọ đều thận trọng khai thác.
Bảo hiểm phi nhân thọ thắt chặt rủi ro

Thận trọng nghiệp vụ bán buôn

Tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra mới đây, chia sẻ về các giải pháp giảm tỷ lệ bồi thường, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thư, Giám đốc Ban Tài chính kế hoạch của Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cho biết, năm 2020, tỷ lệ kết hợp là 99% và tỷ lệ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm là 1%, nhưng sang năm 2021, tỷ lệ kết hợp đã có sự cải thiện đáng kể khi đạt 98%, qua đó giúp tỷ lệ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng gấp đôi lên 2%. Theo đó, trong năm 2022, Ban điều hành Bảo Minh đặt kế hoạch tỷ lệ kết hợp là 97,5% và tỷ lệ bồi thường tiếp tục giữ ổn định quanh mức 34% như hiện nay.

Cũng theo bà Thư, mục tiêu Bảo Minh hướng đến trong thời gian tới là phát triển bền vững, không cạnh tranh bằng mọi giá, đặt hiệu quả lên hàng đầu. Do đó, Bảo Minh sẽ tập trung tăng trưởng các nghiệp vụ bán lẻ đang được kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường như bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới. Các nghiệp vụ bán buôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm cháy nổ… sẽ tiếp tục theo hướng thận trọng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường tái bảo hiểm.

“Thời gian qua, thị trường Việt Nam chứng kiến nhiều vụ cháy lớn, chẳng hạn như vụ việc tại Công ty Thực phẩm CJ Food hồi tháng 11/2020 dẫn đến tổn thất 1.300 tỷ đồng cho toàn thị trường, trong đó có Bảo Minh. Dù mức giữ lại của thị trường bảo hiểm Việt Nam thấp vì đã tái bảo hiểm, nhưng rủi ro của nghiệp vụ này luôn tiềm ẩn nên thận trọng là rất cần thiết”, bà Thư nói, đồng thời thông tin thêm rằng, các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải và tài sản kỹ thuật được đánh giá dựa trên cơ sở rủi ro trong cả giai đoạn 2021-2025. Đơn cử, với bảo hiểm thân tàu biển, trong giai đoạn 2014-2019, nghiệp vụ này không đem lại hiệu quả cho Bảo Minh, nhưng từ năm 2020 đến nay đã có sự cải thiện đáng kể và tiến gần hơn về điểm hòa vốn nhờ được quản trị rủi ro tốt.

Cũng liên quan tới bảo hiểm hàng hải, đại diện Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) dự báo, nghiệp vụ này sẽ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới do nhu cầu và giá cước vận tải tăng cao khi các hoạt động giao thương trở lại bình thường, kích thích các doanh nghiệp vận tải đầu tư thêm tàu mới. Tuy nhiên, đây là nghiệp vụ được đánh giá có nhiều rủi ro và mức độ thiệt hại đang ở mức cao (gần đây nhất là vụ bồi thường tàu Âu Lạc và Vinapco, trong đó riêng mức thiệt hại của tàu Âu Lạc vào khoảng 500 tỷ đồng) nên nhà tái ngày càng siết chặt, dẫn đến việc đàm phám tái tục hợp đồng tái bảo hiểm năm 2022 trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021 vào khoảng 19.355 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 33,4% - thấp hơn con số 37,2% của cùng kỳ năm 2020. Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao có thể kể tới là bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (74,2%), bảo hiểm hàng không (46,1%), bảo hiểm xe cơ giới (45%)…

Tăng cường kiểm soát trục lợi

Thực tế, sau một năm đạt được tỷ lệ bồi thường “đẹp như mơ” khoảng 30%, đặc biệt tại các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, bước sang năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu đối mặt với thực trạng hồ sơ yêu cầu bồi thường tăng mạnh, nhất là ở nghiệp vụ bảo hiểm con người.

Theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm có thị phần đứng đầu thị trường, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, số lượng hồ sơ yêu cầu chi trả bồi thường bảo hiểm sức khỏe tăng đến 200%, trong đó phần lớn đều liên quan đến các chi phí nằm viện chữa bệnh (bao gồm cả chi phí nằm viện chữa trị Covid-19).

Yêu cầu bồi thường tăng cao, nhưng theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, rất nhiều hồ sơ yêu cầu chi trả bồi thường đang bị sai so với quy định điều trị dịch bệnh của Bộ Y tế, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm, một số trường hợp điển hình có thể kể đến như bệnh nhân vào viện điều trị nhưng không phát sinh bất kỳ chi phí nào liên quan đến giường bệnh hay thuốc điều trị Covid, hoặc có trường hợp bệnh viện không được cấp phép tiếp nhận và điều trị Covid nhưng vẫn nhận bệnh nhân vào điều trị.

Đại diện công ty bảo hiểm trên cho biết, có đến hơn 50% lượng hồ sơ bồi thường liên quan đến dịch bệnh của doanh nghiệp này nằm trong diện không đủ căn cứ chi trả bồi thường. Chẳng hạn, công ty vừa từ chối hồ sơ yêu cầu bồi thường của khách hàng N.T.V.A tại Hoàng Mai, Hà Nội, vào bệnh viện điều trị Covid nhưng trong hồ sơ bệnh án lại không thống kê bất kỳ khoản chi phí phát sinh nào, điều này không đúng với quy định.

Làm sai quy định để trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe, không còn là vấn đề hiếm gặp, nhưng trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bảo hiểm phát sinh nhiều. Mặt khác, do vi phạm liên quan đến các quy định về phòng chống dịch bệnh của Nhà nước nên các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thắt chặt lại chính sách bồi thường của mình.

Đại diện Bảo hiểm BIDV (BIC) cho hay, hiện nay, hầu hết sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thông thường trên thị trường phi nhân thọ có chi phí kết hợp tiệm cận điểm hòa vốn. Chính vì thế, BIC rất thận trọng trong việc mở rộng mảng này, nếu vì nhu cầu thị trường mà phải đáp ứng thì cũng phải theo nguyên tắc kiểm soát được rủi ro, hạn chế trục lợi.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục