Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng tốc sớm quý I/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hoạt động giao thương trở lại bình thường từ đầu năm 2022 giúp nhiều hãng bảo hiểm ghi nhận doanh thu phí quý đầu năm nay tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Bảo hiểm sức khỏe vẫn là sản phẩm chủ lực giúp nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng cao quý đầu năm. Ảnh: Dũng Minh Bảo hiểm sức khỏe vẫn là sản phẩm chủ lực giúp nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng cao quý đầu năm. Ảnh: Dũng Minh

Quý đầu năm tích cực

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Tuấn Dũng, Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho biết, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm nay của VBI rất khả quan với doanh thu tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước và cao gần 3 lần so với mức tăng doanh thu chung toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I/2022. Theo tổng hợp từ VBI, doanh thu chung của thị trường phi nhân thọ ước tăng trưởng 9% trong quý đầu năm 2022.

Năm 2021, doanh thu của VBI tăng trưởng hơn 11%, lợi nhuận tăng tới 34% - cao nhất thị trường phi nhân thọ.

Từ nay đến hết ngày 15/5/2022, Bộ Công an sẽ triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), lãnh đạo nhà bảo hiểm này ước tính, trong quý I/2022, doanh thu bảo hiểm gốc đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng.

Năm 2022, MIC đặt kế hoạch tăng trưởng cao ở cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, đạt tối thiểu lần lượt 40% và 35% so với thực hiện năm trước. Trong năm 2021, HĐQT MIC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 40%, nhưng không hoàn thành kế hoạch đề ra khi đạt 281 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

Chia sẻ kết quả kinh doanh quý I/2022, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) thông tin, doanh thu trong kỳ của BIC ước tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm.

Tại Bảo hiểm PVI, ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty cho hay, doanh thu trong quý I/2022 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% và hầu hết các chỉ tiêu tài chính khác cũng đều vượt mức này.

Thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp phi nhân thọ cho thấy, doanh thu quý đầu năm 2022 vẫn chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới.

Đơn cử, tại VBI, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu quý I/2022 là nhóm sản phẩm bảo hiểm về sức khỏe, đạt 32,2%; tiếp đó là bảo hiểm tài sản chiếm 27,3% và xe cơ giới chiếm 24,5%.

Với BIC, sản phẩm chủ lực là BIC Bình An - thuộc dòng sản phẩm bảo hiểm con người (bảo hiểm cho người vay vốn) và là một trong những nhóm sản phẩm mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà bảo hiểm này. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm con người của BIC chiếm tỷ trọng 27% trong tổng doanh thu của BIC.

Trên quy mô toàn thị trường phi nhân thọ, hiện chưa có số liệu cập nhật hết quý I/2022, nhưng trong 2 tháng đầu năm, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (đạt 15,3%) và chiếm tỷ trọng lớn nhất (30,4%) trong tổng doanh thu toàn thị trường. Các nghiệp vụ khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu trong quý đầu năm nay, ngoại trừ bảo hiểm cháy nổ tự nguyện và bảo hiểm nông nghiệp (theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - IAV).

Chưa vội mừng

Thực tế, mức tăng trưởng doanh thu cao trong quý I/2022 một phần do mức tăng thấp của cùng kỳ năm trước - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Mặt khác, doanh thu phí bảo hiểm tăng cũng đồng nghĩa các chi phí đi kèm như chi phí bán hàng, chí phí bồi thường... cũng tăng theo. Năm 2022, dự báo tỷ lệ bồi thường ở 2 nghiệp vụ mang lại doanh thu phí lớn nhất là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người sẽ tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường.

Trong năm 2021, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người trên toàn thị trường đều ở mức thấp do người dân và các phương tiện giao thông hạn chế ra đường theo các lệnh giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Bước sang năm 2022, khi xã hội đã thích ứng linh hoạt với Covid, các phương tiện giao thông sẽ ra ngoài nhiều hơn nên rủi ro tai nạn sẽ lớn hơn, từ đó có thể dẫn đến các chi phí bồi thường tai nạn cũng tăng theo; người dân cũng có thể tìm đến bệnh viện nhiều hơn để khám chữa bệnh nên chi phí bồi thường bảo hiểm phải chi trả cho khách hàng có thể tăng lên. Chưa kể, việc tăng trích lập dự phòng theo quy định cũng sẽ tác động đến lợi nhuận của nhà bảo hiểm.

Thực tế, không phải công ty bảo hiểm nào ghi nhận doanh thu tăng thì lợi nhuận cũng tăng theo. Có những nhà bảo hiểm doanh thu phí bảo hiểm không tăng, nhưng lợi nhuận lại vượt kế hoạch nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Đơn cử, tại Bảo hiểm Agribank (ABIC), trong năm 2021, doanh thu bán hàng thấp hơn gần 99 tỷ đồng so với kế hoạch được Đại hội cổ đông giao phó, nhưng lợi nhuận trước thuế vượt gần 41 tỷ đồng do mức trích lập dự phòng nghiệp vụ thực tế chỉ là 3,32% - thấp hơn nhiều so với kế hoạch (6%).

Mặt khác, với các cổ đông bảo hiểm, việc công ty đạt được bao nhiêu lợi nhuận và cổ tức được chia ra sao là điều được quan tâm nhiều hơn là chỉ tiêu về doanh thu. Mới đây, Công ty mẹ BIDV - cũng là cổ đông lớn nhất, đã đề xuất BIC điều chỉnh tăng thêm 50 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi vẫn giữ nguyên doanh thu phí bảo hiểm gốc (3.310 tỷ đồng) so với kế hoạch trước đó.

Tiếp thu ý kiến này, BIC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022 chỉ giảm 13,4% về mức 435 tỷ đồng. Theo tờ trình Đại hội cổ đông ban đầu, chỉ tiêu lợi nhuận 2022 giảm tới 23,3% so với năm 2021, chỉ ở mức 385 tỷ đồng.

Được biết, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021 đạt khoảng 19.355 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 33,4%, thấp hơn con số 37,2% của năm 2020 (trong đó, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới là 45%).

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký IAV cho biết, kết thúc quý I/2022, tổng doanh thu phí toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ đạt 17.082 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu đạt hơn 14.884 tỷ đồng, tăng trưởng 6%).

Trong thời gian tới, các đại lý bán bảo hiểm xe hy vọng việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới sẽ thuận lợi hơn khi đây là thời điểm các lực lượng kiểm soát an toàn giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra hành chính, kiểm tra các loại giấy tờ, bao gồm cả giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Trong trường hợp chủ xe chưa mua bảo hiểm, mức xử phạt theo quy định là 150.000 đồng đối với xe máy và 500.000 đồng đối với xe ô tô.

Hai tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 733 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 6,5% tổng doanh thu; số tiền bồi thường đạt 108 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 14,8%.

Việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường (cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng) tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được ban hành được cho là sẽ tạo thêm niềm tin, tăng thu hút sự tham gia của người dân đối với sản phẩm này.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục