“Ông lớn” phi nhân thọ củng cố thị phần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc 2 quý đầu năm 2022, các doanh nghiệp phi nhân thọ lớn như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, PTI, MIC, Bảo hiểm Bảo Minh, BIC… vẫn duy trì thứ hạng cao trong Top 10 thị phần bảo hiểm gốc cao nhất thị trường.
Thị phần cao phần nào thể hiện tầm vóc của nhà bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh Thị phần cao phần nào thể hiện tầm vóc của nhà bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.252 tỷ đồng, tăng 12,4%.

Trong đó, Bảo hiểm PVI chiếm 16% thị phần doanh thu bảo hiểm gốc, tăng trưởng 19,7% và tiếp tục dẫn đầu thị trường, đưa tổng doanh thu đạt gần 6.759 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước hoàn thành 118,5% kế hoạch 6 tháng.

Đứng thứ hai là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 4.744 tỷ đồng, chiếm 14% thị phần. Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đứng thứ 3 với 3.406 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, chiếm 10,1% thị phần.

Đáng chú ý, Bảo hiểm Quân đội (MIC) lần đầu tiên vươn vị trí thứ 4 với 7,7% thị phần, tương đương doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2585 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và đang dồn sức hướng đến Top 3. Theo đó, các vị trí thứ 5 và 6 lần lượt thuộc về Bảo hiểm Bảo Minh (7,4% thị phần) và Bảo hiểm BIDV - BIC (5,2% thị phần)

Các doanh nghiệp ở nửa sau Top 10 cũng cho thấy sự cải thiện về doanh thu phí để duy trì thị phần cao. Chẳng hạn, Bảo hiểm VientinBank (VBI) đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 1.547 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước và gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Bảo hiểm Hàng không (VNI) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc nửa đầu năm 2022 tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 1.421 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính tăng 234%.

Bên cạnh những nhà bảo hiểm giữ thị phần cao, số liệu của IAV cũng cho thấy (chưa bao gồm OPES), gần 50% số công ty bảo hiểm trên thị trường có thị phần chưa đầy 1% như Chubb, AIG, Phú Hưng, Cathay, AAA, Fubon, BHV, Liberty, QBE, VASS, SGI, HDI…

Về cơ cấu nghiệp vụ, theo IAV, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 10.506 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 31,1% trong tổng doanh thu; còn bảo hiểm xe cơ giới đạt 9.367 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% và chiếm tỷ trọng 27,7%. Tiếp sau là bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt 4.314 tỷ đồng doanh thu và chiếm tỷ trọng 12,8%; bảo hiểm cháy nổ đạt 4.612 tỷ đồng doanh thu và chiếm tỷ trọng 13,7%…

Ngoài thị phần, các công ty bảo hiểm tốp đầu cũng “khoe” con số lợi nhuận khả quan. Đơn cử, Bảo hiểm PVI cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 326,6 tỷ đồng, hoàn thành 133% kế hoạch 6 tháng và 52,9% kế hoạch cả năm. Những tháng cuối năm, nhà bảo hiểm này đặt mục tiêu doanh thu tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, qua đó duy trì vị trí dẫn đầu thị phần bảo hiểm gốc.

VBI đặt mục tiêu cả năm 2022 lợi nhuận chạm ngưỡng 300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với kết quả năm 2021, đưa Công ty vào Top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thị trường phi nhân thọ. 6 tháng đầu năm, VBI đạt lợi nhuận trước thuế 142 tỷ đồng, tăng trưởng 46,9%.

Tại PJICO, không chỉ doanh thu tăng trưởng, mà chỉ tiêu lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 cũng vượt kế hoạch, ước đạt 150,7 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 60,3% kế hoạch năm.

Với VNI, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 còn tăng đột biến 1.280%. Chủ tịch Hội đồng quản trị VNI Lê Thị Hà Thanh cho biết, VNI đặt mục tiêu thách thức là đạt tổng doanh thu gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 30% so với năm 2021; lợi nhuận 2022 tăng 4 lần so với năm 2021, qua đó giữ vững vị trí Top 10 thị phần năm 2022 và hướng đến Top 5 vào năm 2025.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục