Pakistan thành lập Cơ quan Quản lý Tài sản Mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 8/7 vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi chính phủ Pakistan công bố thành lập Cơ quan Quản lý Tài sản Mã hóa Pakistan (PVARA), hoạt động độc lập và chuyên trách về tiền số.
Pakistan thành lập Cơ quan Quản lý Tài sản Mã hóa

Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính Pakistan, việc nội các phê duyệt PVARA được coi là "điểm mấu chốt quan trọng" trong hành trình xây dựng khung pháp lý toàn diện cho tài sản mã hóa.

Cơ quan này sẽ có ba nhiệm vụ chính. Trong đó, PVARA là nơi sẽ cung cấp giấy phép hoạt động cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa (VASPs); là nơi theo dõi và kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch, ví điện tử; và nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan này là phải đảm bảo thị trường tiền số tại Pakistan, phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chống rửa tiền của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) và Ngân hàng Thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Pakistan muốn hội nhập với cộng đồng quốc tế, không đi theo con đường "tự cô lập" như một số quốc gia khác.

Trước khi PVARA ra đời, Pakistan đã thành lập Hội đồng Tiền mã hóa Pakistan (PCC) vào tháng 3/2025. Đặc biệt là PCC đã mời Changpeng Zhao (CZ) - cựu CEO của Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới - làm cố vấn chiến lược.

Việc có CZ - người được coi là "có nhiều tầm ảnh hưởng" trong giới tiền số - tham gia tư vấn cho thấy Pakistan rất nghiêm túc với kế hoạch này.

Thành phần của PCC còn có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pakistan và các bí thư liên bang của bộ Luật và Công nghệ Thông tin.

Điều này đảm bảo một cách tiếp cận "toàn chính phủ", không chỉ là quyết định của một bộ ngành riêng lẻ.

Không chỉ vậy, sau đó, Pakistan còn thông báo thành lập một kho Dự trữ Bitcoin Chiến lược quốc gia tại Hội nghị Bitcoin 2025 ở Las Vegas vào tháng 5.

Đây là quyết định cực kỳ táo bạo bởi hiện tại, chỉ có El Salvador và một số ít quốc gia khác dám đưa Bitcoin vào dự trữ quốc gia.

Mục đích của dự trữ Bitcoin này không chỉ là đầu tư mà còn để "tăng cường khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô", cho thấy Pakistan coi Bitcoin không chỉ là tài sản đầu cơ mà là một công cụ tài chính chiến lược.

Mặt khác, Pakistan đang đối mặt với tình trạng dư thừa điện năng - một vấn đề kinh tế lớn khi phải trả tiền cho điện không sử dụng. Thay vì để lãng phí, chính phủ đã quyết định phân bổ 2.000 megawatt điện dư thừa cho khai thác Bitcoin và các trung tâm dữ liệu AI.

Đây là một nước cờ kép thông minh bởi vừa có thể biến nguồn điện thừa thành thu nhập từ hoạt động khai thác, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả Bitcoin và trí tuệ nhân tạo. Với nguồn điện rẻ và dồi dào, Pakistan hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm khai thác Bitcoin lớn của khu vực.

Ngoài ra, theo các nguồn tin trong ngành được xác thực, Pakistan hiện có hơn 40 triệu người tham gia thị trường tiền số - một con số đáng kinh ngạc cho một quốc gia vốn chưa có khung pháp lý rõ ràng. Khối lượng giao dịch hàng năm ước tính lên tới 300 tỷ USD, đặt Pakistan vào nhóm những thị trường crypto lớn nhất thế giới về quy mô người dùng.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục