Ông Nguyễn Văn Phụng: "Điều chỉnh tăng thuế cần phải tìm hiểu, thu thập ý kiến sâu rộng, kỹ càng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên lề Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã có trao đổi với báo chí các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã có trao đổi với báo chí các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Ảnh: Chí Cường Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã có trao đổi với báo chí các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Ảnh: Chí Cường

Hiện nay Bộ Tài Chính đang lấy kiến nghị về đánh thuế lên bia rượu và nước giải pháp, ông có ý kiến như thế nào về việc này?

Trước hết tôi đang nghiên cứu kỹ về Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính trình lên Chính phủ về vấn đề này theo Tờ trình số 178 ngày 24/7/2024. Đề xuất này có nhiều điểm mới so với Dự thảo trước đây. Việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn có 2 phương án.

Đứng trên quan điểm toàn diện, quan điểm của người dân cũng như nhà nghiên cứu thì tôi thấy dự thảo này có một số sự tiến bộ so với trước đây. Đầu tiên phải khẳng định là dự thảo đã tiếp thu ý kiến của công luận, chưa áp dụng ngay phương pháp hỗn hợp, phương pháp tuyệt đối.

Ở Việt Nam, nếu áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên cú sốc và thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính người tiêu dùng, vì đại bộ phận chúng ta thu nhập trung bình, không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá triệu đồng một chai rượu, trăm ngàn một chai bia, chúng ta chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm ở mức vừa phải khiêm tốn ví dụ như 15.000 - 20.000 đồng một lon bia là hợp lý, chai rượu có giá khoảng 100.000 đồng đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam là được. Vậy nên việc áp thuế theo tỷ lệ phần trăm là hợp lý, tôi đánh giá rất cao tiếp thu của ban soạn thảo.

Thứ hai là nghiên cứu mức độ tăng thuế 2 phương án. Sử dụng số liệu mà nghiên cứu thì tôi thấy chúng ta luôn luôn đặt vấn đề tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm, thông qua đó thay đổi hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu như vậy nhưng tôi dùng con số kế toán để thống kê thì năm 2003 - 2005, sức tiêu dùng trên đầu người là 3,8 lít/ người/năm, đến năm 2015 - 2016 là 8,3 lít.

Trong khi đó, thuế bia trước đây là 45% ở giai đoạn 2010 - 2012, 50% từ năm 2013, 55% từ 2016, 60% từ 2017, 65% từ 2018 đến nay và tiếp tục tăng thêm. Thuế tăng liên tục trong suốt 10 năm nay, nhưng xét theo số liệu tiêu dùng bình quân đầu người lại tăng hơn 2 lần và đặc biệt là tác động nghịch của rượu bia, tỷ lệ người lạm dụng rượu bia có hành vi bạo hành năm 2010 chỉ chiếm 1,4% dân số, nhưng đáng báo động là năm 2016 tỷ lệ này đã tăng lên đến 14,4%, gấp 10 lần. Thuế tăng 5% mỗi năm nhưng hành vi bạo lực tăng đến 10 lần.

Chỉ khi Nghị định số 100/2019 được Chính phủ thực hiện quyết liệt thì hành vi bạo lực này mới thay đổi. Tôi thấy tác động của hành chính mạnh hơn so với tác động về thuế. Có lẽ vì vậy nên ban soạn thảo đưa ra 2 phương án.

Một là tăng ổn định mỗi năm 10% và đến 2030 đạt mức 100%. Dựa trên quan điểm tăng thuế mạnh để thay đổi hành vi ngay thì tôi đánh giá rằng đây là ý kiến tốt, tuy nhiên tôi cũng rất băn khoăn khi nghe ý kiến của nhiều chuyên gia đánh giá tác động chưa được toàn diện. Các con số đánh giá tác động chỉ mang tính tương đối, ngược với đánh giá tác động của nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Việc tăng thuế là tốt, nhưng với chủ đề của buổi hội thảo hôm nay là “Tăng thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phát triển" thì với kinh nghiệm của mình, tôi đặt ra câu hỏi: “Nếu như tăng thuế ngay bây giờ thì có đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp hay không"? Điều này chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn được mà cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế toàn diện thì mới có thể kiến nghị đề xuất với Quốc hội là áp dụng phương án 1 hay phương án 2.

Hiện ban soạn thảo đang đề xuất thực hiện phương án 1 và tôi cho rằng, với mục tiêu cải thiện thuế theo chương trình được đặt ra đến 2030 được Chính phủ phê duyệt, tăng thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt để có nguồn cho chi tiêu ngân sách, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và điều chỉnh lại mức thuế thu nhập cá nhân.

Vì vậy theo tôi, mục đích chính của việc tăng thuế không phải để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, mà là thực hiện Nghị quyết Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển xanh, sạch, bảo đảm sức khoẻ người dân ổn định lâu dài.

Về nước ngọt, hiện nay chúng ta có Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng nghiên cứu sức khỏe cho người dân nhưng số liệu từ các cơ quan không được thống nhất. Do đó, cơ quan quản lý cần công bố trước công luận loại nước ngọt nào ảnh hưởng đến sức khoẻ, phải điều tiết các mặt hàng cũng gây ra tác động nghịch, hại cho dạ dày.

Theo tôi, trong mối quan hệ đảm bảo thu ngân sách hợp lý trong bối cảnh phải cơ cấu lại các nguồn thu thuế thì chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế giá thu, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, cũng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá, tác động đến nhà sản xuất để họ cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công thức, giảm chất độc hại. Các doanh nghiệp hiện nay quá quan tâm đến quảng bá mà lại không cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng chính sách thuế phải công tâm, hiệu quả, phải nghiên cứu kỹ càng. Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng chính sách thuế phải công tâm, hiệu quả, phải nghiên cứu kỹ càng.

Ảnh: Chí Cường

Việc tăng thuế đột ngột sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, theo ông thì có thể lùi lại việc tăng thuế được không?

Tại thời điểm này thì tôi chưa thể trả lời có lùi lại được hay không. Như tôi đã nói thì 2 phương án đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học. Chúng ta mới chỉ xin ý kiến Đại biểu Quốc hội từ tháng 10/2024, tháng 5/2025 mới được thông qua. Cho nên chúng ta vẫn còn thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là 2 phương án đã đề xuất. Chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe từ nhiều chiều và đề nghị các chuyên gia cho ý kiến một cách thận trọng. Không thể cho ý kiến một cách cảm tính. Do đó tại thời điểm này tôi chưa thể trả lời được câu hỏi có thể lùi lại việc tăng thuế hay không.

Việc sửa thuế này có rất nhiều mục đích đặt ra, theo ông đâu là mục đích chính? Cho ngân sách, cho người tiêu dùng hay cho các doanh nghiệp

Thuế nói chung cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, nhiệm vụ chính của nó là sáng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập. Cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội.

Tuy nhiên, thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để sáng tạo nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải tích cực chống tham nhũng, cho nên chính sách thuế càng phải công tâm, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng.

Đối với 2 phương án đưa ra, các doanh nghiệp lên tiếng cũng là có lý của người ta. Việc điều chỉnh một cách đột ngột cũng khiến các doanh nghiệp khó thích nghi kịp, do đó cần phải tìm hiểu, thu nhập ý kiến sâu rộng, kỹ càng.

Chúng ta yêu đất nước này thì chúng ta cần phải nghĩ đến việc tăng ngân sách cho Nhà nước.

Nếu việc tăng ngân sách cho Nhà nước khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn thì làm sao tăng ngân sách?

Đây là bài toán khó mà chúng ta cần phải giải. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể sáng tạo ra thu nhập, cho nên việc thu thuế cần phải đảm bảo phù hợp với người dân, phù hợp với mức thu nhập, phù hợp với tiêu dùng. Vậy nên trong tất cả các phương án điều chỉnh thuế, đều đã có các phương án được tính toán một cách cẩn thận, tác động nhiều chiều để đảm bảo số thu cao nhất dựa trên cơ sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục