Thảo luận chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có cồn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự thảo sửa đổi lần này rất cần thiết. Ông đưa ra 5 vấn đề cần cân nhắc khi sửa đổi thuế TTĐB với đồ uống có cồn.
Thứ nhất, cần cân nhắc lộ trình đánh thuế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, không thể có hai phương án như đã trình mà phải có phương án thứ ba, có lộ trình đánh thuế khác biệt bởi chính sách thuế này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống có cồn mà còn ngành khác liên quan và ngành sản xuất đồ uống có cồn trong nước và nhập khẩu.
"Tôi có đề xuất lộ trình ít nhất từ khi luật có hiệu lực phải giãn từ 2-3 năm mới bắt đầu đánh thuế, từ 2027-2028 mới bắt đầu tính tăng thuế để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị. Đây nên là một phương án thêm để thảo luận, nhưng nên từ năm 2027", ông Hiếu kiến nghị.
Thứ hai, Chính phủ phải thuyết phục được Quốc hội trong việc đưa ra mức đánh thuế cao nhất đến 2030 là bao nhiêu %, mức 100% hay 80%, phải có con số chứ không thể nói dự kiến, như vậy sẽ khó thuyết phục được đại biểu Quốc hội.
Thứ ba, có hai yếu tố cân nhắc, nếu đánh thuế suất quá cao sẽ giảm cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến nguồn thu không chỉ ngành rượu bia mà bao gồm các ngành khác liên quan sụt giảm, tính tổng thu, ngưỡng sụt giảm là bao nhiêu, phải tính được; và cần xác định rõ đây là chính sách chính trong giảm rượu bia hay chính sách bổ sung mới tính được ngưỡng tối đa. Phải cân nhắc và xác định chính xác thuyết phục tối đa đánh thuế TTĐB là bao nhiêu.
Thứ tư, đánh thuế bia phải khác với rượu về cơ cấu thị trường Việt Nam và tiêu thụ, mức độ tác động. Về bia, mục tiêu chính sách giảm tiêu thụ bia ảnh hưởng đến sức khoẻ, giảm nồng độ cồn, bia không độ có nên đánh hay không.
"Tôi nghiêng về phương án bia 0 độ không nên đánh thuế, nếu đánh thuế có thể mâu thuẫn với chính sách thuế của chúng ta (giảm tác hại). Nếu vậy, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp có dịp tái cơ cấu ngành sản xuất đồ uống có cồn", ông Hiếu cho hay.
Về rượu, mức thuế TTĐB phải khác với bia, khả năng có thể thấp hơn. Việt Nam có khu vực rượu thủ công tác động lớn đến chính sách, nếu không khéo sẽ tác động ngược chính sách.
"Hiện nay, thuế nhập khẩu rượu dưới 20 độ từ Hàn Quốc bằng 0, nếu đây là thông tin chính xác thì việc đánh thuế rất quan trọng. Tôi lăn tăn có nên tăng thuế với rượu không, tăng mức bao nhiêu là phù hợp. Ưu thế thuộc về là gì, ảnh hưởng về hành vi tiêu dùng ra sao, nếu rượu đóng chai có thương hiệu đánh thuế, giá tăng cao, thì nhu cầu rượu thủ công sẽ cao hơn, khiến mục tiêu không đạt, nhà sản xuất bị ảnh hưởng, điều này sẽ gây tác dụng ngược", ông Hiếu nêu quan điểm và kiến nghị có lộ trình tăng thuế riêng đối với rượu.
Thứ năm, không thể nói rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không cần có biện pháp bổ sung về phòng chống gian lận thương mại, phải kiểm soát rượu thủ công đảm bảo an toàn chất lượng và công bằng về thuế.