Ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc VAMC tiếp tục giữ vị trí Chủ nhiệm câu lạc bộ AMC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiệm kỳ thứ hai của Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC) sẽ tăng cường sự trao đổi hàng hóa trên thị trường mua, bán nợ nhằm minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy hoạt động của Sàn giao dịch nợ.
Ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc VAMC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC Ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên HĐTV/Tổng giám đốc VAMC, Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC

Thông tin từ Câu lạc bộ cho biết, trong nhiệm kỳ thứ hai, Câu lạc bộ AMC tiếp tục tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu một cách an toàn, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ.

Đồng thời, tập hợp, rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy chế, chính sách gửi các bên liên quan và báo cáo Hiệp hội Ngân hàng để biết và phối hợp; Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tăng cường sự trao đổi hàng hóa trên thị trường mua, bán nợ nhằm minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy hoạt động của Sàn giao dịch nợ; Phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm; Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai nghiệp vụ mua, bán và xử lý nợ; Cập nhập thông tin mới về các hoạt động liên quan đến phát triển thị trường mua bán nợ xấu.

Thành phần Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ II (2022-2024)
Thành phần Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ II (2022-2024)

Được biết, Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ có định hướng về việc phát triển thị trường mua bán nợ. Từ thực trạng những tồn tại, hạn chế của hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, yêu cầu đặt ra là xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu. Bên cạnh đó, tạo ra sự ổn định bền vững cho hệ thống ngân hàng, cần phải có những giải pháp cấp thiết thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu tập trung.

Xuất phát từ thực tế đó, Câu lạc bộ Xử lý nợ trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) được ra đời theo Quyết định số 35/QĐ-HHNH ngày 17/09/2020 của Hiệp hội Ngân hàng, với tổng số 23 thành viên gồm: Công ty quản lý tài sản (VAMC) và 22 Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (các AMC) của 22 tổ chức tín dụng. Theo đó, nhiệm kỳ 2020-2022 là nhiệm kỳ đầu tiên Câu lạc bộ Xử lý nợ chính thức đi vào hoạt động sau thời gian 2 năm vận động thành lập.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Câu lạc bộ AMC chú trọng thực hiện trao đổi và đối thoại chính sách thông qua các tọa đàm, hội thảo do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị khác tổ chức. Chia sẻ thông tin, chính sách pháp luật liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ; khuyến khích sự tham gia và các sáng kiến phát triển thị trường mua, bán nợ của toàn thể hội viên. Đồng thời, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của hội viên liên quan đến hoạt động xử lý nợ gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam…

Câu lạc bộ AMC dự kiến Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ II (2022-2024) gồm 5 đơn vị, cụ thể như sau:

- Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

- Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank AMC).

- Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB AMC).

- Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank AMC).

- Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank AMC).

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục