Sàn giao dịch nợ VAMC: Cầu nối khai thông nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng. Ông Đoàn Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chia sẻ, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC, làm cầu nối phá vỡ “cục máu đông” trong nền kinh tế.
VAMC đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình từng bị đình trệ vì Covid-19 VAMC đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình từng bị đình trệ vì Covid-19

Một trong những hoạt động trọng điểm của VAMC năm 2021 là đưa Sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động. Ông có thể cho biết một số kết quả mà sàn giao dịch này đã thu được?

Ông Đoàn Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Ông Đoàn Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Sàn giao dịch nợ VAMC (Sàn giao dịch nợ) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021 và cho đến cuối năm 2021 đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức; trang bị phần mềm quản lý, website, phần mềm kế toán. Chỉ sau hơn 2 tháng thành lập, tính đến ngày 31/12/2021 đã có 51 đơn vị, cá nhân được phê duyệt là thành viên và được Sàn giao dịch nợ cung cấp user truy cập website của Sàn. Sàn giao dịch đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm với các tổ chức tín dụng và khách hàng với tổng dư nợ là 9.046 tỷ đồng; làm việc với một số khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn, môi giới của Sàn.

Còn tính đến 31/3/2022, tổng số thành viên đã được cấp user tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch nợ là 85, gồm 54 tổ chức, 31 cá nhân. Số lượng hợp đồng nguyên tắc môi giới bán là 7 hợp đồng (7 tổ chức tín dụng), với tổng giá trị khoản nợ và tài sản bảo đảm gần 13.000 tỷ đồng, trong đó có 558 tài sản bảo đảm và 84 khoản nợ đã được đăng tải...

Sàn giao dịch nợ giúp minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, đồng thời hướng tới mục tiêu đưa VAMC trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của tổ chức tín dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Các chỉ tiêu của VAMC luôn là tâm điểm đối với thị trường xử lý nợ. Ông có thể chia sẻ những số liệu cơ bản?

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đến mọi mặt hoạt động, nhưng VAMC vẫn nỗ lực thích ứng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý có hiệu quả nợ xấu. Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021 đều tăng trưởng cao so với năm 2020. Chẳng hạn, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tăng 43,35%; mua nợ theo giá trị thị trường tăng 41,32% so với năm 2020.

Đặc biệt, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước giao đều hoàn thành vượt kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2020, cụ thể: hoàn thành vượt 9,06% kế hoạch doanh thu (tăng 99% so với năm 2020), vượt 21,71% kế hoạch lợi nhuận (tăng 36% so với năm 2020), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu vượt 19,74% kế hoạch.

Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực (15/8/2017), hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC đạt 28% tổng giá mua nợ lũy kế từ năm 2013 đến hết 31/12/2021; mua nợ theo giá trị thị trường 339 khoản nợ với giá mua 11.822 tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu định hướng hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC là tổ chức trung tâm của thị trường; thu giữ thành công một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại tổ chức tín dụng...

Nhờ tác động tích cực từ Nghị quyết 42 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá khoản nợ/tài sản bảo đảm do VAMC trực tiếp thực hiện được đẩy mạnh theo hướng tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 2021, VAMC đã thực hiện đấu giá thành công 3 khoản nợ/tài sản bảo đảm của khoản nợ với số tiền trúng đấu giá đạt 905 tỷ đồng (tăng 130% so với năm 2020), đấu giá thành theo hình thức trực tuyến tài sản đầu tiên với giá trúng đấu giá 219,35 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2018 (năm đầu tiên VAMC thực hiện hoạt động đấu giá) đến hết năm 2021, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 22 khoản nợ/tài sản bảo đảm của khoản nợ, với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.516,5 tỷ đồng.

Có vẻ như các mục tiêu đặt ra đều diễn biến thuận lợi?

Cũng không hẳn như vậy. Về cơ bản, Nghị quyết 42 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, VAMC nhận thấy còn một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ như thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu...

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của VAMC. Cụ thể, biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng từ tháng 6/2021 nhằm phòng chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, nhất là đối với các khách hàng, tài sản và tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác ở phía Nam. Việc triển khai khảo sát khoản nợ, tài sản bảo đảm, làm việc với khách hàng/tổ chức tín dụng; niêm yết thông báo thu giữ/thông báo đấu giá tài sản; thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm; định giá, đấu giá tài sản; khởi kiện, thi hành án… tại các địa bàn trọng tâm xử lý nợ của VAMC nêu trên gần như bị đình trệ hoàn toàn.

Sàn giao dịch nợ giúp minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm

Sàn giao dịch nợ giúp minh bạch hóa thông tin các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm

Vậy kế hoạch kinh doanh năm 2022 của VAMC như thế nào?

Về hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt: tối đa 25.000 tỷ đồng (giá mua nợ). Về hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường: 3.500 tỷ đồng (giá mua nợ). Xử lý thu hồi nợ: dự kiến 26.000 tỷ đồng (dư nợ gốc). Chênh lệch thu chi tăng 10 - 15% so với kết quả đạt được năm 2021.

Một trong những kế hoạch năm 2022 của VAMC là xử lý thu hồi nợ 26.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).

Theo đó, VAMC sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại tổ chức tín dụng, triển khai làm việc với các tổ chức tín dụng và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để thực hiện mua khoản nợ theo giá trị thị trường; đẩy mạnh triển khai việc lựa chọn, tìm kiếm các khoản nợ, tài sản tại khu vực phía Bắc.

Đồng thời, tổ chức tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận danh mục, hồ sơ pháp lý các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm để giới thiệu và chào bán phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, chúng tôi theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm mà VAMC đã ủy quyền; tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng và bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho tổ chức tín dụng thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ; phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài; phối hợp với các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ/tài sản bảo đảm...

Chắc hẳn VAMC sẽ có giải pháp riêng cho việc tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung?

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch nợ trở thành trung tâm kết nối thị trường nợ xấu, giúp các bên mua bán gặp nhau trao đổi, giao dịch các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp, hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, góp phần ổn định nền kinh tế.

Các hoạt động đã và đang được VAMC tổ chức thực hiện như mời các tổ chức, cá nhân đăng ký làm thành viên Sàn giao dịch nợ; làm việc với các tổ chức tín dụng, khách hàng để ký hợp đồng môi giới mua bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; đăng thông tin trên website của Sàn giao dịch nợ các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã ký hợp đồng; tiếp cận, làm việc với các nhà đầu tư có nhu cầu quan tâm đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để mời sử dụng dịch vụ tư vấn của Sàn giao dịch; từng bước hình thành, kết nối với các tổ chức tín dụng, cơ quan liên quan để xây dựng kho dữ liệu nợ xấu. Bên cạnh đó, kịp thời công khai hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu trên cổng thông tin www.sbvamc.vn.

Về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, ông có kiến nghị gì?

Chúng tôi thường xuyên cập nhật, rà soát, phát hiện, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động xử lý nợ an toàn, hiệu quả.

Dẫu vậy, để triển khai có hiệu quả và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã đề ra, VAMC kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho VAMC về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua bán và xử lý nợ.

Một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết 42; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi hoạt động đấu giá tài sản của VAMC phù hợp với Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; đề nghị các bộ, ngành có liên quan thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu như hỗ trợ các hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC, đẩy mạnh xử lý các tranh chấp liên quan đến khoản nợ, tài sản bảo đảm bằng thủ tục rút gọn tại tòa án, thi hành án...

Liên quan đến việc tăng vốn điều lệ, chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC theo lộ trình đã được chấp thuận tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017.

Nhuệ Mẫn thực hiện
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục