So với Tổng thống Donald Trump, nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền của ông Biden (nếu đắc cử) sẽ có cách tiếp cận mềm mại, ít “hung hãn” hơn trong các vấn đề với Trung Quốc.
Trong 4 năm qua, hầu hết quốc gia châu Á bị kẹt giữa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chịu đựng môi trường kinh doanh nhiều biến động khó lường bởi đa số thành viên có mối quan hệ thương mại lớn với cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính những xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo tâm lý e ngại đối với dòng vốn đầu tư vào khu vực nên mối quan hệ hai bên trở nên nhẹ nhàng hơn sẽ tạo động lực cải thiện tâm lý nhà đầu tư tại đây. Chỉ số MSCI Emerging Markets Asia đã tăng gần 7% kể từ đầu tháng 11 đến nay, tiến lên vùng đỉnh đạt được vào tháng 1/2018 - thời điểm ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra.
Tâm lý e ngại của giới đầu tư cũng thể hiện rõ nét tại thị trường Việt Nam, dù được hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ - Trung khi gia tăng xuất khẩu với Mỹ, đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào khi các doanh nghiệp toàn cầu dịch chuyển từ Trung Quốc sang… Chỉ số VN-Index đang giao dịch dưới mức điểm tháng 12/2017.
Thêm vào đó, dù có các yếu tố vĩ mô vững vàng, tâm lý của nhà đầu tư ngoại với Việt Nam cũng chịu tác động từ sự kiện chính quyền của Tổng thống Trump đánh giá Việt Nam thao túng tiền tệ và không “dễ chịu” với việc gia tăng thâm hụt thương mại với Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí bán ròng tất cả các phiên giao dịch trong tháng 10/2020 và tiếp tục có động thái bán ròng cho đến cuối tuần qua.
Tuy nhiên, theo AFC Vietnam Fund, tình trạng bán ròng này sẽ sớm thay đổi. Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ AFC Asia Frontier Fund cho biết rằng, sau khi ông Biden trở thành Tổng thống, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ ổn định hơn, điều này tác động tích cực tới tâm lý đầu tư tại khu vực châu Á, khi hầu hết các quốc gia có mối quan hệ thương mại gắn kết với cả Mỹ và Trung Quốc. Tâm lý tích cực này sẽ tốt cho thị trường Việt Nam, nhất là khi chỉ số chứng khoán chưa quay trở lại mức điểm năm 2018 - thời điểm khi chiến tranh thương mại bắt đầu.
Cùng quan điểm, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital nhìn nhận, cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Biden cùng với khả năng cao Đảng Cộng hòa sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán mới nổi châu Á và đặc biệt có lợi cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, tổng thống mới có thể sẽ theo đuổi các chính sách kinh tế như lý thuyết tiền tệ hiện đại, qua đó làm giảm giá trị của USD. Bên cạnh đó, Thượng viện nếu do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ khó có khả năng thông qua một gói kích thích tài khóa lớn nhằm chống lại tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tăng cường các biện pháp kích thích tiền tệ, điều này gây thêm áp lực giảm giá đối với USD.
USD giảm giá sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán mới nổi và thị trường Việt Nam vì các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có khả năng áp dụng triệt để các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm duy trì ổn định tỷ giá. Việc tăng cung tiền từ chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu và giá bất động sản tăng.
Đáng chú ý, các nhà sản xuất toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển về các quốc gia châu Á, trong đó nổi bật là Việt Nam. Chẳng hạn, Samsung đã thiết lập các cơ sở sản xuất di động lớn tại Việt Nam và Bangladesh. Các công ty thực hiện chính sách Trung Quốc + 1 với mục tiêu đa dạng chuỗi cung ứng, nhất là khi Covid-19 khiến chuỗi cung ứng hiện tại bộc lộ nhiều điểm yếu.
AFC Vietnam Fund nhận định, chính sách ngoại giao và thương mại mềm mỏng hơn của Mỹ, giá dầu duy trì ở mức thấp và môi trường lãi suất giảm sẽ là những yếu tố tác động tích cực tới các thị trường cận biên châu Á, trong đó có Việt Nam.