Ông Biden giúp chứng khoán tăng đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Niềm vui đầu tiên mà các thị trường tài chính đón nhận trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử chính là sắc xanh tràn ngập. Tuy nhiên, ông Biden có thể giúp chứng khoán tăng được đến bao giờ?

Ông Biden giúp chứng khoán tăng đến bao giờ?

Tin tốt

Theo số liệu lịch sử, niềm vui mà ứng cử viên tổng thống mới mang tới có thể kéo dài trong một khoảng thời gian. Cụ thể, kể từ năm 2000 tới nay, mỗi lần chỉ số S&P 500 leo dốc trong những phiên giao dịch trước ngày bầu cử, thì diễn biến trong tháng 11 và tháng 12 sau đó đều tích cực.

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới cũng thường là quãng thời gian leo dốc của thị trường chứng khoán. Theo số liệu từ Leuthold Group, kể từ năm 1986, trung bình mức tăng của thị trường chứng khoán trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới là 18,6%.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 tháng qua

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 tháng qua

Bên cạnh đó, một trợ lực tích cực cho đà tăng hiện tại của thị trường chính là bệ đỡ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kể từ đầu năm 2020 tới nay, trước tác động của đại dịch Covid-19, Fed thường sử dụng nhiều công cụ để ngăn chặn sự “sụp đổ” của thị trường chứng khoán và cơ quan này vừa xác nhận thêm một lần nữa sẽ không đảo chiều các chính sách tiền tệ hiện tại cho tới hết năm.

Chưa kể, niềm hy vọng của thị trường về một gói hỗ trợ mới vẫn tồn tại, dù còn nhiều bất đồng giữa phe Dân chủ và Cộng hoà về câu chuyện này.

Chỉ số S&P 500 tăng 7,3% trong tuần vừa qua, chỉ số Nasdaq 100 cũng tăng 9,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Trong 4 ngày sau khi đêm bầu cử kết thúc, chỉ số S&P 500 tăng hơn 1% mỗi ngày, diễn biến mới chỉ xuất hiện 3 lần trong lịch sử.

Tin xấu

Trên con đường tăng trưởng tích cực mà ông Biden đang mang tới cho thị trường chứng khoáng xuất hiện không ít những trở ngại, nhất là trong khoảng 10 tháng tới. Đầu tiên chính là đại dịch Covid-19 và những hậu quả khó lường mà nó mang lại. Thứ hai là định giá cao của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ. Thứ ba là áp lực chính trị tại nghị trường nước Mỹ, nơi mà ông Biden phải gắng sức để “hàn gắn” những chia rẽ sâu sắc tại Nghị viện.

Đó là chưa kể, một số chính sách mà ông Trump áp dụng đang tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và tình hình có thể thay đổi khi chuyển giao quyền lực.

“Tình hình sẽ ngày càng khó khăn cho ông Biden. Ứng cử viên Đảng Dân chủ nhận chức khi các nền tảng kinh tế vĩ mô gặp khó khăn và chứng khoán đắt đỏ. Đây chính là “công thức” cho thảm hoạ trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục bước trên lằn ranh chờ đợi ông Biden công bố một số chính sách mới, bao gồm cả những thay đổi về thuế nếu có. Đây sẽ là một trạng thái khó khăn để duy trì đà leo dốc”, Mike Bailey, giám đốc nghiên cứu FBB Capital Partners.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng tuyên bố muốn nâng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng tuyên bố muốn nâng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%

Hiện tại, các thành viên thị trường chú tâm nhất tới câu chuyện thuế. Cụ thể, dưới thời Tổng thống Trump, chỉ 1 năm sau khi chính sách giảm thuế doanh nghiệp được áp dụng, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 tăng 20% trong 3 quý liên tiếp, tỷ lệ chưa từng xảy ra kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cho tới nay.

Trong khi đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng tuyên bố muốn nâng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đồng thời cam kết đưa mức lương trung bình lên cao hơn. Việc nâng thuế, gia tăng chi phí nhân sự… đều tác động mạnh tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các thành viên phố Wall cho rằng, khó có khả năng ông Biden sẽ đảo ngược lại toàn bộ chính sách thuế, nhất là với tình trạng chia rẽ tại Nghị viện như hiện nay. Nhưng trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 có thể giảm một nửa trong năm 2021.

Một câu hỏi khác được đặt ra là chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của ông Biden cùng đội ngũ quản lý của mình: Liệu nhà cầm quyền sẽ hy sinh tăng trưởng kinh tế tới mức nào trong nỗ lực kiểm soát đại dịch? Trong tuần vừa qua, số lượng ca nhiễm mới tại Mỹ đã vượt mức 100.000 ca/ngày.

“Yếu tố quan trọng nhất, mang yếu tố quyết định tới thị trường mà giới đầu tư cần chú trọng trong ngắn hạn là Covid-19. Vấn đề không hẳn là việc chủ nhân của Nhà Trắng là ai, gói hỗ trợ kinh tế lớn tới mức nào. Tất cả hiện tại xoay quanh đại dịch Covid-19”, Chris Gaffney, Chủ tịch thị trường toàn cầu TIAA Bank nhận định.

Các dữ liệu quá khứ cho thấy, việc bầu cử và tổng thống mới không tác động lớn tới thị trường. Cho dù là ứng cử viên nào thắng cử, chỉ số S&P 500 vẫn tăng trưởng với tốc độ như vậy và diễn biến thường là tích cực. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất thường là nền kinh tế sẽ diễn biến ra sao sau đó.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ