Ổn định thị trường ngoại hối tạo niềm tin cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại tệ, qua đó hỗ trợ nâng cao tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.
ThS. Đào Xuân Tuấn , Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ThS. Đào Xuân Tuấn , Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước

Vai trò quan trọng của vốn FII

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn đạt kết quả tốt đều có sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư tổ chức và tham gia với vai trò cổ đông chiến lược đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực tài chính cũng như thừa hưởng được kinh nghiệm kinh doanh, kỹ năng quản trị doanh nghiệp tiên tiến, từ đó lớn mạnh hơn.

Không những thế, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc định hình và nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán trong nước. Cụ thể, dòng vốn FII đã góp phần nâng cao tiêu chuẩn quản trị công ty tại các doanh nghiệp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài…

Tuy vậy, vài năm trở lại đây, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cả và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là việc đồng USD tăng giá (khi Fed tăng lãi suất cao kỷ lục và neo mức lãi suất này trong một thời gian dài) đã khiến dòng vốn quốc tế có xu hướng rút ròng mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi và quay về Mỹ. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Năm 2024, khối ngoại bán ròng gần 94.450 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương ứng khoảng 3,7 tỷ USD.

Để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán một cách bền vững, môi trường vĩ mô cần ổn định, trong đó ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng

Để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán một cách bền vững, môi trường vĩ mô cần ổn định, trong đó ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng

Trong 5 tháng đầu năm 2025, thị trường tiếp tục chứng kiến sự rút ròng của khối ngoại. Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại, đáng chú ý có Van Eck (rút ròng 423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (rút ròng 88 tỷ đồng), Fubon (rút ròng 58 tỷ đồng). Một số thị trường các nước khu vực châu Á cũng gặp tình trạng tương tự.

Số liệu thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, trong tháng 5/2025, có thêm 190.852 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới, tuy nhiên, con số này chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tăng 186 tài khoản, lên mức 43.738 tài khoản, trong khi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đóng 12 tài khoản, xuống còn 4.669 tài khoản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội lớn được nâng hạng và thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội lớn được nâng hạng và thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài

Thu hút vốn ngoại và vai trò của chính sách tiền tệ

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) rất quyết tâm trong việc thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Kinh nghiệm từ các thị trường đi trước cho thấy, việc nâng hạng sẽ giúp thị trường thu hút dòng vốn ngoại đổ vào mạnh mẽ. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ước tính khoảng 7,2 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài dự kiến sẽ chảy vào thị trường Việt Nam.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật để từng bước giải quyết các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC (Thông tư 68) sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Thông tư 68/2024/TT-BTC được ban hành nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng; trong đó, không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền trước khi đặt mua cổ phiếu và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các công ty đại chúng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật để từng bước giải quyết các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Ngày 29/4/2025, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2025/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng VND để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thay đổi quan trọng tại thông tư này là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở hơn 1 tài khoản đầu tư; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình mở tài khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với hồ sơ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài, mà yêu cầu công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài. Những quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn ngoại tham gia thị trường, tháo gỡ một trong những nút thắt trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để ổn định vĩ mô, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong điều tiết thanh khoản để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đủ, kịp thời vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ từ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, chỉ số USD tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm và cân đối cung - cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá; công bố phương án bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong những giai đoạn áp lực lớn. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tâm lý thị trường được bình ổn, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong những năm tới. Để dòng vốn ngoại quay trở lại Việt Nam một cách ổn định và bền vững, còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, cả khách quan và vấn đề nội tại của Việt Nam. Trong đó, các bộ, ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tập trung nhóm các giải pháp: Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính nhất quán và minh bạch trong các quy định liên quan; Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư, tăng cường minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng công bố tài chính của doanh nghiệp niêm yết, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài; Thứ ba, phát triển hạ tầng thị trường; Thứ tư, tăng cường truyền thông chính sách, qua đó, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, ổn định tâm lý cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn toàn cầu ngày càng gay gắt.

Ngân hàng Nhà nước xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại tệ, qua đó hỗ trợ nâng cao tính hấp dẫn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

ThS. Đào Xuân Tuấn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục