Thị trường ngoại hối vượt qua sóng gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá USD/VND trong 2 tuần đầu tháng 12/2022 giảm mạnh, xuống quanh mức 23.500 - 23.600 VND/USD, thấp hơn khoảng 6,3% so với mức cao nhất đầu tháng 11/2022.
Tỷ giá sau khi có diễn biến tăng kéo dài đã có nhịp giảm mạnh trong nửa đầu tháng 12/2022 Tỷ giá sau khi có diễn biến tăng kéo dài đã có nhịp giảm mạnh trong nửa đầu tháng 12/2022

Xu hướng giảm của tỷ giá có thể được duy trì

Sự hồi phục của VND so với USD kể từ đầu tháng 12/2022 tương đồng với nhiều đồng tiền khác trong khu vực như JPY, KRW, CNY, THB...

“Đồng tiền của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng linh hoạt hơn, tăng - giảm theo hơi thở của thị trường quốc tế, bên cạnh sự điều tiết phù hợp của cơ quan quản lý”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét.

Xu hướng giảm của tỷ giá được vị lãnh đạo BIDV nhận định có khả năng duy trì cho đến cuối tháng 12/2022, với các yếu tố hỗ trợ như: thứ nhất, áp lực từ môi trường quốc tế giảm bớt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không còn tăng mạnh lãi suất và các tín hiệu kỹ thuật cho thấy chỉ số đồng USD (DXY) đang bước vào xu hướng giảm trung hạn; thứ hai, cung - cầu ngoại tệ dự báo sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư khoảng 500 triệu USD; thứ ba, tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn và có thể kích hoạt giải phóng phần găm giữ ngoại tệ đang được tích lũy rất lớn sau giai đoạn tỷ giá liên tục đi lên trong những tháng trước.

Thị trường ngoại hối gần đây có diễn biến tích cực sau khi trải qua không ít “sóng gió”. Trước đây, dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh, thông qua kênh kiều hối, đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, do xu hướng đảo chiều của dòng vốn trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện dòng tiền chuyển ra nước ngoài.

“Đây là một trong những lý do tạo sức ép lên nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, tạo ra sự chênh lệch tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức và thị trường tự do”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường nói.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của thị trường ngoại tệ khiến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để mua, bán ngoại tệ trái phép, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, một số đối tượng mua gom USD từ ngân hàng với lý do đi du lịch, công tác, chữa bệnh…, rồi bán ra thị trường tự do nhằm hưởng chênh lệch giá.

“Ngoài ra, còn có trường hợp lợi dụng chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài theo hình thức tặng, cho tài sản bằng tiền giữa người cư trú là công dân Việt Nam và người nước ngoài để chuyển một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài, gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối và làm ảnh hưởng đến cân đối cung - cầu ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và tỷ giá

Theo vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trên, để đảm bảo thị trường ngoại tệ hoạt động ổn định, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, cũng như kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, hạn chế tối đa rủi ro cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, cơ quan quản lý đã điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp bán can thiệp ngoại tệ để hấp thụ các cú sốc bên ngoài, hạn chế lạm phát nhập khẩu, biến động quá mức của tỷ giá, đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ..

Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối; tăng cường công tác kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; thông tin rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thanh, truyền hình về quy định, chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới…

“Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định về hoạt động mua, bán ngoại tệ tiền mặt cho các mục đích ra nước ngoài của người dân (du lịch, học tập, thăm viếng, chữa bệnh...) để người dân hiểu đúng, hiểu đủ và tuân thủ nghiêm túc. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng của Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục An ninh kinh tế) để trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định quản lý ngoại hối trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Cân bằng cung - cầu trên thị trường ngoại hối

Gần đây, lượng bán ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng cho cá nhân giảm mạnh, trong khi lượng mua ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng gia tăng.

Thực tế cho thấy, nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường ngoại tệ kết hợp với việc triển khai quyết liệt các giải pháp chấn chỉnh thị trường, xử lý các hành vi vi phạm, tăng cường công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan…, thị trường ngoại hối từng bước đi vào ổn định. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ. Tình trạng cá nhân lợi dụng mua ngoại tệ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng để trục lợi từng bước được ngăn chặn, không còn tình trạng người dân xếp hàng mua ngoại tệ tại ngân hàng.

Trong hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong việc kiểm tra, lưu giữ chứng từ đảm bảo giao dịch thực hiện cho khách hàng đúng mục đích. Trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện quy trình hoạt động của ngân hàng, chấn chỉnh hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong hệ thống của mỗi ngân hàng để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng (Bộ Công an) khi có yêu cầu để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

“Qua việc giám sát, theo dõi báo cáo của các ngân hàng, số lượng chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài toàn hệ thống (cho các mục đích du lịch, học tập, trợ cấp thân nhân, định cư ở nước ngoài...) đang trong xu hướng giảm. Lượng bán ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng cho cá nhân cũng giảm mạnh, trong khi lượng mua ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng tăng đã giảm áp lực về ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cân bằng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, toàn diện để các ngân hàng triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu quản lý của Nhà nước; chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối, tổ chức tập huấn cho các ngân hàng về các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

“Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường ngoại tệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện tốt quy định về quản lý ngoại hối”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục