Ổn định thị trường ngoại hối trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh tiền đồng mất giá, xuất hiện hành vi trục lợi trên chênh lệch của tỷ giá, tạo áp lực nhất định trong công tác quản lý đối với thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước

Áp lực gia tăng

Sau thời gian liên tục điều chỉnh lãi suất tăng (từ tháng 3/2022), kể từ tháng 7/2023 đến nay, qua 6 phiên họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong 23 năm (lên mức 5,25 - 5,5%/năm). Việc thế giới kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được đã tác động trực tiếp lên tỷ giá của nhiều nước, tạo sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia này (như Nhật Bản, chênh lệch lãi suất đã gây ra xu hướng mất giá mạnh của đồng Yên, dẫn tới nghi vấn đã có một sự can thiệp thị trường ngoại hối từ Chính phủ Nhật Bản). Trong nước, thị trường ngoại tệ diễn biến phức tạp, tỷ giá VND/USD tăng mạnh so với đầu năm 2024, dẫn đến có sự chênh lệch giá USD giữa thị trường chính thức và thị trường tự do. Trong bối cảnh đó, xuất hiện một số hành vi lợi dụng hệ thống ngân hàng để mua bán ngoại tệ hưởng chênh lệch tỷ giá, ảnh hưởng đến công tác điều hành thị trường ngoại tệ, tỷ giá.

Với những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và trong nước, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống, từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp về quản lý ngoại hối, trong đó tập trung tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế đặc biệt là hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai.

Kể từ tháng 7/2023 đến nay, Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong 23 năm qua

Kể từ tháng 7/2023 đến nay, Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong 23 năm qua

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý ngoại hối về cơ bản đã đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài phục vụ cho các giao dịch xuyên biên giới của nền kinh tế. Theo quy định của pháp luật, hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho các giao dịch xuyên biên giới bao gồm: thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai; thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vốn.

Theo hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - hướng dẫn các nước thành viên trong việc phân loại giao dịch vãng lai và giao dịch vốn, thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai là các khoản thanh toán không vì mục đích chuyển vốn và được thực hiện theo nguyên tắc tự do hóa (Điều 30, Điều lệ Quỹ).

Thị trường đã ổn định, thanh khoản thông suốt, cân bằng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Với tinh thần tự do hóa, các giao dịch thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài thuộc giao dịch vãng lai, gồm thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển tiền một chiều... được thực hiện mà không phải có sự chấp thuận, cấp phép (hay hạn chế) từ cơ quan chức năng (NHNN). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tổ chức, cá nhân khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai sẽ tự do thực hiện với bất kỳ mục đích nào. Các giao dịch này phải trên cơ sở là các giao dịch thực tế, có chứng từ chứng minh giao dịch đúng mục đích, hợp pháp, hợp lệ và tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối (kiểm tra, xuất trình chứng từ, quy định về mục đích được phép chuyển tiền).

Để đảm bảo quản lý, kiểm soát hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai, pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể, thông qua việc giao trách nhiệm cho tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ, phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 39, Pháp lệnh Ngoại hối và Điều 16, Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối).

NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể trách nhiệm cho TCTD, đó là: Xây dựng quy định nội bộ để ban hành quy định về chứng từ phù hợp với từng loại hình giao dịch; kiểm tra và lưu giữ chứng từ để đảm bảo giao dịch hợp pháp, đúng mục đích; tự chịu trách nhiệm khi cung ứng dịch vụ ngoại hối cho khách hàng (Thông tư 21/2014/TT-NHNN - đã được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân).

Cùng với việc giao trách nhiệm cho TCTD, pháp luật hiện hành cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch ngoại hối. Tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của TCTD khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho TCTD được phép (được quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 70/2014/NĐ-CP).

NHNN thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung những quy định mới cho phù hợp. Từ cuối năm 2023 đến nay, bên cạnh việc rà soát các quy định hướng dẫn Luật TCTD 2024 để xây dựng các văn bản hướng dẫn, NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối) đã nghiên cứu, xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản cũ để hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới; hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động đầu tư gián tiếp vào Việt Nam; hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp…

Kỳ vọng xuất khẩu, kiều hồi và dòng vốn FDI sẽ tạo nền tảng ổn định thị trường ngoại hối

Kỳ vọng xuất khẩu, kiều hồi và dòng vốn FDI sẽ tạo nền tảng ổn định thị trường ngoại hối

Tăng cường thanh tra, giám sát

Về mặt quản lý nhà nước, công tác quản lý, giám sát của NHNN đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài được triển khai thường xuyên, liên tục thông qua chế độ báo cáo thống kê, từ đó theo dõi, quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài của TCTD, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện việc theo dõi, giám sát TCTD về việc tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền (như quy định về xác minh thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, hạn mức giao dịch; xây dựng quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền…); thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngoại hối của TCTD định kỳ hoặc đột xuất, phát hiện và xử lý theo quy định.

Chính phủ cũng ban hành nghị định quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối (Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng). Nghị định có các quy định xử phạt rất nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm như chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật… với mức xử phạt lên tới 500 triệu đồng và các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, đình chỉ giấy phép hoạt động…

Song song với đó, NHNN thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động trên thị trường ngoại hối để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để có giải pháp xử lý. Ngay khi thị trường ngoại hối có dấu hiệu căng thẳng và xuất hiện hiện tượng một số tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng bộ chứng từ mua ngoại tệ tiền mặt cho các mục đích chuyển tiền một chiều, NHNN đã kịp thời có công văn chỉ đạo TCTD tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, các TCTD tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện quy trình hoạt động của ngân hàng phù hợp với quy định của pháp luật, chấn chỉnh hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong hệ thống của mỗi ngân hàng để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đồng thời kịp thời thông báo và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp phát hiện vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 17/2023/TT-NHNN ngày 25/12/2023 quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, trong đó các tổ chức có hoạt động ngoại hối thuộc đối tượng áp dụng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiến hành triển khai các quy định tại Thông tư 17/2023/TT-NHNN với mục đích xem xét, đánh giá thông tin, số liệu, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra đảm bảo đầy đủ, chính xác, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và hệ thống tài chính.

... Và những thành quả

Với những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối trong nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát thị trường. Vì vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, NHNN tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục An ninh kinh tế), Bộ Tài chính để trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời. Đồng thời, tích cực phối hợp liên ngành để thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động ổn định; phối hợp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoại hối, phối hợp liên ngành trong việc xử lý các hành vi vi phạm về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối...

Với nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, thời gian qua, công tác quản lý thị trường ngoại hối đã đạt được những kết quả tích cực. Thị trường đã ổn định, thanh khoản thông suốt, cân bằng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của TCTD không bị ảnh hưởng, các TCTD đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ quy định pháp luật, kiểm tra, lưu giữ chứng từ đúng quy trình đảm bảo giao dịch thực hiện cho khách hàng đúng mục đích.

Hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, phù hợp thực tế và yêu cầu quản lý của nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, song hành cùng với những diễn biến trên thị trường ngoại hối, hạn chế các trường hợp lợi dụng chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế.

Cùng với việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, Chính phủ cũng như NHNN đã nỗ lực trao đổi thông tin, tuyên truyền quy định của pháp luật để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai để tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai các giải pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại hối, NHNN tiếp tục tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện báo chí, truyền thanh, truyền hình nhằm thông tin rộng rãi cho người dân về quy định, chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới.

Đào Xuân Tuấn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục