Ô tô nhập chỉ tăng 1% về giá trị, chưa cần lập hàng rào tự vệ!

Phải xem xét thấu đáo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô bởi giá trị nhập khẩu mặt hàng xe nguyên chiếc chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước song các Bộ, ngành đã và đang có ý định lập hàng rào tự vệ bảo hộ ô tô trong nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung đã cho biết như vậy, trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa được Viện này tổ chức vừa qua.

Cụ thể, theo TS Cung, các số liệu thống kê của CIEM trong quý I/2017 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Viện CIEM nêu: Từ khi Thuế Tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh ngày 1/7/2016, tăng với xe dung tích xi lanh cao, giảm với xe dung tích xi lanh nhỏ, giá trị nhập khẩu ô tô chỉ tăng nhẹ so với thời gian trước.

Ô tô nhập chỉ tăng 1% về giá trị, chưa cần lập hàng rào tự vệ! ảnh 1

 Viện CIEM đưa ra khuyến cáo, Chính phủ và bộ ngành chức năng cần cẩn trọng khi đưa ra các biện pháp tự vệ bởi tăng nhập ô tô chỉ mới là hiện tượng, chưa tạo thâm hụt thương mại lớn

Đặc điểm thị trường là xe sang, dung tích lớn có giá cao giảm lượng nhập thay vào đó ô tô dung tích thấp, giá rẻ tăng lượng và giá trị nhập khẩu. Điều này khiến lượng xe nhập tăng đột biến nhưng giá trị nhập khẩu chỉ tăng nhẹ, phản ánh đúng quy luật thị trường.

Viện CIEM cho rằng: Nhập khẩu ô tô không khiến kim ngạch tăng đột biến, do đó nó không thực sự gây nhiều áp lực đối với cán cân thương mại như nhiều chuyên gia, báo chí quan ngại. Từ góc nhìn ấy, CIEM cho rằng đây chưa phải là thời điểm nên xem xét thực hiện các biện pháp tự vệ đối với ô tô nhập khẩu.

Quan trọng hơn, Việt Nam cần xem xét thấu đáo, với bằng chứng thuyết phục hơn, các nội dung như: Có cần tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô không? Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nên tham gia ở công đoạn, phân khúc nào của chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô thế giới đang có xu hướng chuyên môn hoá, tự động hóa cao, đặc biệt là bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, CIEM kiến nghị cần làm rõ các mục tiêu khả thi cho chính sách liên quan đến ô tô để các chính sách này thực sự đem lại động lực phát triển, có sàng lọc doanh nghiệp theo tiêu chí phù hợp, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, cách thức thực hiện.

TS Cung khẳng định: Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN, thay vì đưa ra các chính sách đối phó, Việt Nam nên tìm ra những phương án hỗ trợ, định hướng để các liên doanh ô tô trong nước giảm thiểu tác hại trước xu hướng toàn cầu hoá.

Bên cạnh đó, cần đưa ra được những thông tin thị trường, nhận biết xu hướng và đặc biệt hỗ trợ cụ thể đến các doanh nghiệp tiềm năng nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô bền vững lâu dài hơn.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng: Năm 2018, xóa bỏ thuế quan đối với ô tô nhập nguyên chiếc, nghe có vẻ các liên doanh ô tô trong nước sẽ gặp bất lợi, nhưng không hẳn vậy.

“Thực tế, Toyota, Trường Hải, Mercedes, Ford, Honda…, những liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam đều đi bằng hai chân, một lắp ráp và một là chuyên nhập khẩu, phân phối. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, đã có nhiều mẫu xe, dòng xe trước đây được lắp ráp tại Việt Nam nhưng gần đây đã được chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia. Cán cân thương mại có thể thâm hụt nhưng lợi ích của doanh nghiệp vẫn được bảo lưu”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục