Ngành nước là “mảnh đất màu mỡ”
Nhu cầu nước sạch đang gia tăng, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngành nước có tính phòng thủ, vì đây là ngành tiện ích thiết yếu, cung cấp nước sạch cho người dân và các doanh nghiệp. Mỗi nhà máy thường xử lý nước từ một con sông, sau đó phân phối cho cư dân, doanh nghiệp trong một địa phương cụ thể, chính vì vậy có tính ổn định cao.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có gần 800 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch khoảng 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm.
Dự báo, đến năm 2020, dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người và nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị tăng lên khoảng 9,6 - 10 triệu m3/ngày.
Nhiều doanh nghiệp ngành nước có những chỉ số tài chính “trong mơ” (xem Đồ thị), tỷ suất lợi nhuận gộp cao, chia cổ tức đều đặn, dòng tiền thu ổn định, nên thu hút nhà đầu tư.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã đầu tư góp vốn vào không ít công ty sản xuất nước sạch, chủ yếu phục vụ cho khu vực TP.HCM.
Ở khu vực phía Bắc, REE mua cổ phần của VCW. Hay Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhựa nay đã định hướng đầu tư qua ngành nước sạch, với hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty sở hữu chi phối hoặc sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần trải dài trên 11 địa phương.
Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã đầu tư vào ngành nước như Dragon Capital, Olympus Capital Asia, Công ty Tài chính Quốc tế…
Câu chuyện đã rõ ràng hơn trong làn sóng đầu tư vào các công ty nước là 2 đồng doanh thu tạo ra hơn 1 đồng lợi nhuận gộp.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM), Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (BWS), VCW có tỷ suất lợi nhuận ròng khá sát với tỷ suất lợi nhuận gộp. Điều này thể hiện tính độc quyền trong việc cung cấp nước khi bỏ vốn đầu tư một lần, thu lợi nhuận trong nhiều năm, mà không phải tốn chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường, với chi phí vận hành rất thấp.
Nổi bật trong nhóm 8 doanh nghiệp ngành nước được thống kê là VCW, có 2 cổ đông lớn gồm Gelex sở hữu 60,46% và REE sở hữu 35,95% (trước đó, VCW thuộc sở hữu của Vinaconex), phục vụ nước sạch cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội, sản lượng tiêu thụ khoảng 250.000 m3/ngày đêm.
Lợi thế cạnh tranh trong ngành nước dành cho các doanh nghiệp tiên phong, chiếm lĩnh trước các thị trường, nhưng chất lượng đường ống, chất lượng nước mới là bài toán quyết định.
Thông tin tài chính năm 2018 của một số doanh nghiệp ngành nước.
Một số bất cập
Từ cuối tháng 12/2012 đến nay, VCW chịu nhiều tai tiếng với các sự cố vỡ đường ống 22 lần, cựu giám đốc quản lý dự án từng bị truy tố hình sự 10 năm tù vì tội vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng.
Số liệu tài chính của VCW (Đơn vị: triệu đồng).
Thế nhưng, kết quả kinh doanh của VCW không suy giảm, cho thấy sức mạnh độc quyền của nhà cung cấp rất lớn. Nhu cầu và giá nước tăng mỗi năm thì giả sử đường ống của doanh nghiệp này có vỡ thêm cả chục lần có lẽ cũng “không thành vấn đề”, vì vỡ đâu lại thay đó. Chỉ có người lao động, người dân là thực sự chịu khổ.
VCW sử dụng đường ống composite cốt sợi thủy tinh, được cung cấp bởi Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh - thành viên Tổng công ty Vinaconex. Giai đoạn 2 (2015 - 2019) dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, VCW tiếp tục mua đường ống từ công ty trên. Hạng mục đường ống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong một dự án sản xuất nước sạch, rõ ràng đây là mô hình có tính thâm dụng vốn lớn.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì đây là mô hình kinh doanh có tính bất định thấp (ổn định và ít kịch bản xảy ra), nhưng rủi ro cao - tổn thất có thể rất lớn; những cổ đông chiến lược của VCW có lẽ đã không lường trước và kiểm soát tốt các loại rủi ro đặc thù này.
Không chỉ đường ống của VCW có vấn đề, mà hệ thống đường ống dẫn nước nói chung của Việt Nam đều có những bất cập.
Cụ thể, đường ống được xây dựng từ lâu, có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, ví dụ hệ thống dẫn nước ở TP.HCM dài trên 2.000 km được xây dựng cách đây 50 năm. Tình trạng này dẫn đến việc rò rỉ, thất thoát nước của cả nước ở mức cao, trung bình khoảng 23%, trong khi tỷ lệ thất thoát nước của Singapore là 5%, Nhật Bản 7%.
Bên cạnh đó, các khâu về xử lý nước thải sau khi cấp chưa được vận hành đồng bộ, khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng ngậm nước, gây lãng phí.
Sự cố ô nhiễm nguồn nước tại VCW vừa qua còn cho thấy, việc quản lý vận hành của doanh nghiệp có vấn đề; việc bảo vệ, giám sát nguồn nước sinh hoạt còn lỏng lẻo; chính quyền và nhà máy sản xuất lúng túng, chưa có phương án khắc phục kịp thời…
Với những ngành hàng thiết yếu có tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng thì câu chuyện niềm tin rất quan trọng.
Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được niềm tin của người tiêu dùng, không dung hòa lợi ích giữa các bên thì rất có thể sẽ sớm bị thay thế khi có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia ngành. Được biết, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống của Tập đoàn AquaOne có quy mô gần 65 ha tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng mới đây đã đi vào hoạt động, công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Những nhân tố mới này hy vọng sẽ làm thay đổi dần vị thế độc quyền ngành của loại doanh nghiệp ngành nước, giảm đi tình trạng doanh nghiệp ung dung kiếm lãi lớn trên sự bất an của hàng vạn người dân.
Ngày 8/10/2019, hàng tấn dầu thải bị phát hiện đổ trộm vào đầu nguồn nước Nhà máy nước sông Đà của VCW tại Hòa Bình, khiến nguồn nước cấp cho nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội bị ô nhiễm.
Sau đó, UBND TP. Hà Nội khuyến cáo người dân không sử dụng nước để nấu ăn, uống. Đến chiều 22/10, TP. Hà Nội thông tin, kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đạt quy chuẩn.
Hiện cơ quan công an đang điều tra làm rõ một số đối tượng có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.