Công an đã khởi tố vụ án để điều tra sự cố nước sạch Sông Ðà. Với những thông tin ban đầu về vụ việc, theo ông, trách nhiệm của CTCP Ðầu tư nước sạch Sông Ðà trong vụ việc này là như thế nào?
Theo thông tin trên báo chí đăng tải, ông Nguyễn Ðức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Công ty Ðầu tư nước sạch Sông Ðà (VIWASUPCO) phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10/2019, nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước.
Ông Chung cũng cho biết, Thành phố Hà Nội đã làm việc với VIWASUPCO và yêu cầu súc xả toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước, chi phí do phía Công ty chịu.
Với những thông tin bước đầu như vậy, tôi cho rằng, hành vi của người có thẩm quyền thuộc VIWASUPCO có dấu hiệu của tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Ðiều 360, Bộ luật Hình sự, hoặc tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”, theo Ðiều 237, Bộ luật Hình sự.
Hàng vạn người dân sử dụng nước sạch của công ty này và chịu ảnh hưởng bởi sự cố, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào?
Về phía người dân sử dụng nước ô nhiễm do VIWASUPCO cung cấp, họ hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu công ty này bồi thường những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do sử dụng nước ô nhiễm gây ra. Khoản 1, Ðiều 584, Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Vậy, nếu muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại, người dân sẽ phải làm gì?
Trong vụ việc này, rõ ràng sức khỏe, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người dân đã bị xâm phạm do sử dụng nước máy bị ô nhiễm. Vì vậy, họ có quyền khởi kiện VIWASUPCO là đơn vị cung cấp loại dịch vụ, hàng hóa này.
Tuy nhiên, người dân cần phải chứng minh những thiệt hại cụ thể đối với mình, ví dụ, chi phí phải bỏ ra để mua nước sạch sử dụng, hoặc chi phí khám chữa bệnh phát sinh do sử dụng nước ô nhiễm...
Ngoài những chi phí trên, có thể sẽ có nhiều chi phí khác mà người dân phải bỏ ra do ảnh hưởng của việc nước sạch bị ô nhiễm.
Chẳng hạn, đối với các gia đình có con nhỏ, trẻ sơ sinh, họ sẽ phải bồi dưỡng, bù đắp những chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng để hạn chế, phòng ngừa nguy cơ tiêu cực đến sức khỏe con em họ, hay là người dân phải thuê nơi ở, nơi trọ khác có nguồn nước đảm bảo hơn để sử dụng...
Ðó rõ ràng là những chi phí mà người dân bỗng nhiên phải bỏ ra trong khi nếu như nước họ dùng hàng ngày không bị ô nhiễm, họ sẽ không mất những chi phí này. Tuy nhiên, những chi phí như vậy rất khó chứng minh và rất khó được bồi thường.
Một ảnh hưởng khác mà người dân phải gánh chịu, đó là thiệt hại về tinh thần. Trong những ngày vừa qua và kể cả trong tương lai dài, có không ít người ở trong tình trạng lo lắng, hoang mang do lo ngại những tác động xấu của nguồn nước ô nhiễm gây ra đối với bản thân và gia đình.
Họ không biết bao giờ mới chấm dứt tình trạng bất an này và những rủi ro bất ngờ liệu có còn xảy ra nữa hay không. Thiệt hại về tinh thần không thể cân đong đo đếm được, nhưng đây lại là điều khiến người dân cảm thấy nặng nề, mệt mỏi nhất từ vụ việc.
Hiện nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường”. Hy vọng rằng, Cơ quan điều tra sẽ sớm tìm ra được thủ phạm đổ dầu thải vào nguồn nước, vừa là để trừng trị kẻ phạm tội, vừa là để xác định động cơ, mục đích của hành vi đó là gì, có phải do sự vô ý thức hay còn mục đích phá hoại, lợi dụng tình thế để trục lợi hay không.
Có như vậy thì mới ngăn ngừa được những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.