Nửa cuối tháng 6: Giằng co!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có thể, những ngày còn lại của tháng 6 thị trường sẽ tiếp tục tích luỹ nội lực và chưa thể hình thành xu hướng.
Thị trường đang có những phiên hồi phục. Ảnh: Shutterstock. Thị trường đang có những phiên hồi phục. Ảnh: Shutterstock.

Tháng tích luỹ

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thị trường tháng 6 có một số yếu tố hỗ trợ như: tình hình Covid-19 ở Trung Quốc được cải thiện sẽ góp phần giải quyết những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng; tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới; chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2022 - 2023.

Về diễn biến vĩ mô thế giới, theo VNDIRECT, các quan chức của Fed cũng đồng ý bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào tháng 6/2022, bắt đầu là 47,5 tỷ USD mỗi tháng (30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp), sau đó là 95 tỷ đô la Mỹ mỗi tháng sau ba tháng (60 tỷ đô la Mỹ trong Kho bạc Hoa Kỳ và 35 tỷ đô la Mỹ trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng thế chấp).

Theo kế hoạch trên, Fed có thể thu hẹp bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Quy mô này tương đối nhỏ (chỉ chiếm 5% bảng cân đối kế toán hiện tại của Fed), do đó hành động này tác động đến thanh khoản thị trường tài chính quốc tế khá hạn chế.

Theo VNDIRECT, thì trong tháng 5/2022, thị trường đã tạo đáy thành công, lực bán giải chấp đã giảm bớt sau khi VN-INDEX hồi phục và giữ vững mốc 1.200 điểm. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tháng 6. Tuy nhiên, thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét và thanh khoản vẫn đang ở mức thấp. Dầu vậy, quá khứ giao dịch của thị trường đã cho thấy, dòng tiền chảy vào thị trường khi mà định giá đã chiết khấu đủ sâu và hỗ trợ thị trường hồi phục mạnh mẽ.

Chung quan điểm theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam thì về mặt thông tin, thị trường đang dần bớt các tin tiêu cực. Thông tin tác động đến thị trường chủ yếu liên quan đến thanh lọc thị trường, vấn đề pháp lý đang giảm dần. Tuy nhiên, những vấn đề khác như chiến tranh, giá hàng hoá thế giới tăng cao, lạm phát các nước có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao,... vẫn còn tồn tại.

Theo ông Phục, một số doanh nghiệp sẽ hé lộ kết quả kinh doanh tháng 6, 6 tháng và có thể là động lực ngắn hạn cho thị trường trong thời gian tới.

Ông Phục cũng cho rằng, thị trường cần thêm thời gian để hình thành xu hướng rõ ràng và nhà đầu tư cần tiếp tục dành thêm thời gian quan sát và có thể mua dần các cổ phiếu tốt.

“Hiện, cổ phiếu nhóm ngân hàng đang khá hấp dẫn, tuy nhiên, do chiếm khối lượng quá lớn nên khó có thể tăng giá mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây vẫn là cổ phiếu tốt cho đầu tư dài hạn”, ông Phục lấy ví dụ.

Chuỗi giảm điểm liên tiếp đang có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Shutterstock.

Chuỗi giảm điểm liên tiếp đang có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh: Shutterstock.

Chờ trend mới

Trong khi đó, nhìn nhận về các động lực và thông tin có tác động đến thị trường, theo ông Phùng Trung Kiên, Nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc, với quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ phải trở lại cách phân loại nợ bình thường sau tháng 6/2022 này. Tuy nhiên, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023 thì đây có thể là một tác động tích cực.

Nhưng cũng theo ông Kiên, về cơ bản, thì tháng 6 thị trường vẫn đang đối mặt với “tin xấu” nhiều hơn, ví dụ như thông tin Fed thắt chặt tiền tệ bằng nâng lãi suất; hay CPI các nước lớn tiếp tục tăng cao, khiến các chính phủ phải gồng mình kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng đang tăng mạnh; Trung Quốc vẫn đang phải chiến đấu với các đợt phong toả, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp xuất khẩu; Xung đột Nga – Ucraina chưa có hồi kết.

Theo ông Kiên, các diễn biến này sẽ tác động khác nhau đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang châu Âu, Bắc Mỹ ít bị ảnh hưởng, trong khi doanh nghiệp nào có Trung Quốc là thị trường trọng điểm lại bị thiệt hại nặng. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung quan sát các diễn biến này để có hành động phù hợp với các cổ phiếu.

Từ một góc nhìn khác, theo ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock thì những ngày cuối tháng 6, nhất là tuần từ 13 – 17/6 thị trường có khá nhiều tin tức quan trọng như: đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 6 hay các quỹ bắt đầu hoàn thành thay đổi danh mục trong kỳ review quý 2/2022. Các thông tin này là điểm nhấn cho tuần giao dịch này nên nhà đầu tư cần nắm rõ để lên chiến lược đầu tư cho tuần kế tiếp. Tuy nhiên với sự thay đổi không đáng kể nên các tin tức này sẽ khó có tác động mạnh đến thị trường. Thay vào đó các tin tức về vĩ mô trong quý 2/2022 sẽ là điều có thể tác động nhiều đến thị trường.

Như thứ 6 vừa qua (10/6), khi Mỹ công bố số liệu lạm phát đạt mức kỷ lục 8.6% và thị trường lập tức phản ứng tiêu cực. Nên tại Việt Nam nhiều nhà đầu tư cũng mong chờ những số liệu từ lạm phát, tăng trưởng GDP quý 2/2022 để có góc nhìn cho hai quý còn lại của năm, từ đó đánh giá được các tác động từ thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Chương cũng cho rằng, tháng 6 được xem là tháng cuối cùng của quý 2 nên tương đối có ít thông tin được công bố từ doanh nghiệp hay Chính phủ. Cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đợt giảm giá rất mạnh trong tháng 5 và đang trong xu hướng dần hồi phục nên sẽ khó có được sự bứt phá mạnh mẽ trong tháng này. Thay vào đó nếu nhìn vào những yếu tố tích cực dần trong 2 quý cuối năm sau giúp cho nhà đầu tư dễ dàng hành động và lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn downtrend như hiện tại.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục