Thị trường chứng khoán: Nhận diện rủi ro, lên sách lược ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận diện rõ rủi ro cũng là một giải pháp quản trị tài khoản hiệu quả.
Thị trường đang chịu nhiều tác động đồng loạt của các yếu tố vĩ mô bất lợi. Ảnh: Shutterstock. Thị trường đang chịu nhiều tác động đồng loạt của các yếu tố vĩ mô bất lợi. Ảnh: Shutterstock.

Rủi ro bủa vây, chọn cổ phiếu nào?

Quan sát diễn biến thị trường các phiên gần đây, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE cho rằng, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên thời điểm đầu tháng 1/2022 đạt trên 970 triệu cổ phiếu/phiên trong khi giai đoạn hiện nay chỉ đạt khoảng 580 triệu cổ phiên, giảm khoảng 67% và khối lượng tiếp diễn suy giảm mạnh mẽ trong tuần vừa qua.

Dòng tiền sẽ yếu đi do nguồn “tiền rẻ” không còn nữa, nguồn tiền “dễ dãi” theo cơ hội cũng sẽ bị rút đi sau cú sụt giảm sắc nét 17% chỉ trong một tháng của VN-Index. Giá trị giao dịch sẽ không duy trì được như giai đoạn tháng 11-12/2021, nhưng có khả năng giữ được mặt bằng chung cao so với quá khứ, thị trường sẽ quen với giá trị giao dịch quanh 15.000 – 20.000 tỷ đồng.

Riêng với áp lực từ lạm phát, theo bà Linh, lạm phát sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Trong giai đoạn kinh tế mới phục hồi thì nó sẽ gây khó khăn cho những doanh nghiệp yếu kém về tài chính và thanh khoản/nguồn vốn. Kỳ vọng về hồi phục kinh doanh cũng sẽ bị giảm xuống.

Bà Linh đánh giá, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tổng lượng tiền gửi đã gia tăng mạnh trở lại sau giai đoạn giảm trong suốt năm 2021 khi các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động. Điều này cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển từ kênh đầu tư chứng khoán với rủi ro cao quay trở lại ngân hàng - tìm kiếm kênh sinh lời an toàn sau khi được hưởng lợi từ sự tăng giá của thị trường.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, bà Linh cho rằng, nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc đến việc quản trị rủi ro trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Đặc biệt, khi thị trường có những cú sụt giảm nhanh và mạnh như thời điểm vừa qua. Việc hạn chế đòn bẩy tài chính, nghiên cứu lại triển vọng thị trường và cổ phiếu mình nắm giữ là hết sức cần thiết.

Theo bà Linh, nhà đầu tư nên tìm kiếm những cơ hội từ nhóm cổ phiếu giá đã giảm về mức định giá hợp lý/hấp dẫn của doanh nghiệp; các doanh nghiệp đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh doanh trên 15%/năm trong năm nay và vài năm tiếp theo. Cùng với đó là cơ hội đầu tư từ nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chu kỳ hồi phục kinh tế như bán lẻ - tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất, du lịch - vận tải; nhóm cổ phiếu phòng thủ: điện, nước...

Còn theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, hiện tượng rút tiền từ thị trường chứng khoán chuyển sang các lĩnh vực đầu tư khác đã hiện hữu và ít nhất sẽ còn diễn ra đến hết tháng 6/2022.

Theo ông Kiên, đang có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, như gửi tiết kiệm hay trái phiếu chính phủ. Nhiều nhà băng đã tăng lãi suất tiền gửi và thu về một khoản tiền gửi lớn tính từ đầu năm. Riêng trái phiếu chính phủ đã có mức tăng cực mạnh cho từng kỳ hạn từ đầu năm đến nay. Theo quan sát của AIS, kênh trái phiếu Chính phủ với lãi suất hấp dẫn đang thu hút rất tốt các nhà đầu tư tổ chức.

Theo ông Kiên, hiện tại, các nhà đầu tư nên giữ trạng thái phòng thủ, cơ cấu lại danh mục theo hướng bán bớt các cổ phiếu đầu cơ, rủi ro cao, cụ thể là các cổ phiếu có có hệ số beta cao, tích lũy cổ phiếu giá trị đang có định giá hợp lý và có câu chuyện tăng giá trong tương lai.

Với câu chuyện cắt lỗ và tích lũy thêm cổ phiếu, nhà đầu tư có thể chờ đợi các nhịp rebound. Để làm được điều này, đây là giai đoạn đặc biệt đòi hỏi phải quan sát các tín hiệu mua vào, bán ra bằng các phương pháp phân tích cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái chán nản vì thị trường liên tục lao dốc. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái chán nản vì thị trường liên tục lao dốc. Ảnh: Shutterstock.

Tin xấu khuyếch đại tâm lý nhà đầu tư

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, hiện thị trường đang phải đối mặt với 3 khó khăn chính.

Thứ nhất là sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới do khủng hoảng Nga-Ukraine có thể thu hẹp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022. Nhiều tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 để phản ánh những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.

Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đều có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong các quý tới, đặc biệt là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vẫn đang duy trì chính sách zero-Covid với các biện pháp phong tỏa với quy mô lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng, kéo theo việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thấp hơn so với năm 2021.

Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là hàng lâu bền và hàng tiêu dùng.

Thứ hai, đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chậm lại do giá vật liệu xây dựng và chi phí logistic gia tăng. Ngành xây dựng đã bị tác động mạnh bởi đà tăng của giá vật liệu xây dựng trong quý I/2022, và chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ trong quý này.

Giá bán của nhiều loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng dự kiến duy trì ở mức cao trong một vài tháng tới do xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này có thể khiến cho các dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Hơn nữa, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí logistic tăng làm gia tăng chi phí sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Theo IHS Markit, tổ chức cung cấp chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam hàng tháng, đã chỉ ra rằng trong tháng 3 vừa qua, giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 11 năm qua. Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số PMI của Việt Nam tháng vừa qua giảm xuống mức 51,7 điểm từ mức 54,3 điểm của tháng trước đó. Vì vậy, chúng tôi quan ngại rằng tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong quý I/2022 do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thứ ba, việc Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến, dẫn đến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, làm thu hẹp dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

"Về lý thuyết, Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi khác sẽ chịu áp lực khi dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường khi lãi suất đồng USD tăng lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng tại thị trường Việt Nam trong 2 năm qua, nên tôi cho rằng tác động thực sự trong xu hướng hiện tại sẽ không lớn. Nhưng dù sao, trong bối cảnh “tháng 5 thường là vùng trống thông tin” thì bất kỳ tin tức tiêu cực nào của thế giới đều có tác động khuyếch đại đến tâm lý của các nhà đầu tư", bà Hiền nhận định.

Ngoài ra, theo bà Hiền, lạm phát trong nước tăng mạnh hơn so với dự kiến cũng là một rủi ro đang đe dọa thị trường. Mặc dù CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,1%, song các rủi ro đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian tới như tăng giá hàng hóa, thực phẩm, nguyên vật liệu vẫn còn đó. Lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn. Lãi suất có xu hướng nhích dần lên cũng sẽ là điểm tác động đến dòng vốn vào TTCK.

Bà Hiền cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, mỗi nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng đòn bẩy và cần phải xây dựng cho mình một kỷ luật đầu tư nhất định, và tuân thủ theo những nguyên tắc này để hạn chế rủi ro cũng như bảo toàn lợi nhuận trong thời điểm thị trường biến động mạnh.

Nhà đầu tư mạnh tay cắt lỗ

Thay vì hào hứng kể chuyện bắt mã nọ, chọn mã kia, câu chuyện cuối tuần của một nhóm nhà đầu tư mà phóng viên có dịp “dự thính” lại chủ yếu xoay quanh các mối lo về thị trường thời gian tới.

Trong câu chuyện, chị Tâm, một nhà đầu tư nêu quan điểm: "Thị trường trong ngắn hạn trước mắt chỉ có xuống, cùng lắm là đi ngang, chứ chưa nói chuyện có thể đi lên được".

Lý giải cho quan điểm này, chị Tâm cho rằng, dù thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khi có sự lệch pha với các thị trường lớn như Mỹ, nhưng giai đoạn “suy thoái” như hiện tại thì lại thể hiện sự đồng pha khá nhịp nhàng, dù có độ trễ nhất định. Trong khi các thị trường như Mỹ, nhà đầu tư đã thừa nhận xu hướng giảm là không thể tránh khỏi và đang xảy ra rồi, thì ở Việt Nam, câu chuyện này vẫn bị xem nhẹ khi không ít người mộng mơ kỳ vọng về việc thị trường đã tìm thấy đáy và sẽ sớm thăng hoa trở lại.

Chị Tâm cũng cho rằng, do Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực nên mức độ liên thông, phụ thuộc của nền kinh tế nói chung, chứng khoán Việt Nam nói riêng là rất rõ rệt. Do đó, cộng thêm với việc Fed tăng lãi suất thì thời gian tới, thị trường chứng khoán trong nước chắc sẽ còn nhiều tổn thất.

“Dù biết cắt lỗ là rất khó, nhưng theo tôi, lúc này nhà đầu tư vẫn còn cơ hội để giảm thiểu tổn thất, còn tiền là còn cơ hội khi thị trường thực sự về đáy. Tôi đã cắt lỗ. Tôi đã phải cắt lỗ VIC hơn 15%, thời điểm mua VIC có giá trên 95.000 đồng/cổ phiếu, trong khi hiện tại cổ phiếu này chỉ ở mức trên 80.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, TCB tôi cũng phải cắt mạnh tay ở mức trên 31%, thời điểm mua là trên 57.000 đồng/cổ phiếu, hiện tại khoảng 39.000 đồng/cổ phiếu”, chị Tâm cho biết.

Cũng với tâm trạng lo nhiều hơn vui, anh Trọng, một nhà đầu tư khác cho rằng, có thể gói gọn và tổng hợp các rủi ro mà thị trường đang phải đối mặt gồm: thị trường thế giới vẫn trong xu hướng giảm giá, tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước; lãi suất trên đà tăng và dòng tiền rút ra phục vụ sản xuất; áp lực lạm phát vẫn còn và có thể tác động lên chính sách tiền tệ thời gian tới…

“Tôi thấy thị trường giai đoạn này quá khó, cả với những nhà đầu tư lâu năm chứ chưa nói các nhà đầu tư mới. Do đó, nếu có thể, nhà đầu tư nên chuyển cổ phiếu thành tiền mặt để tránh “mất giá” trong giai đoạn này. Tôi cũng đang áp dụng triệt để nguyên tắc này. Có cổ phiếu tôi đã mạnh tay cắt lỗ tới trên 50%, APH là một ví dụ”, anh Trọng nói và cho biết thêm, anh thà cắt lỗ và tìm ra một vài cổ phiếu ngược sóng, sau đó giao dịch theo kiểu T0, còn có cơ hội gỡ lại nhiều hơn là để cổ phiếu thua lỗ nằm im trong tài khoản.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục