Đột biến tiền gửi tác động thế nào đến cổ phiếu vua?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền nhàn rỗi đang quay trở lại với kênh tín dụng, mang đến kỳ vọng nhất định với nhóm cổ phiếu vua.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Tiền gửi tăng đột biến

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng còn lớn hơn cả năm 2021. Cụ thể, dòng tiền gửi đã đạt 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng). Đặc biệt, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư, tiền nhàn rỗi của người dân ồ ạt trở lại hệ thống ngân hàng, trong khi tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp lại kém khả quan.

Chia sẻ cùng phóng viên, anh Tuấn, một nhà đầu tư cho biết, từ khi tạo đỉnh vào khoảng giữa năm ngoái, đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có sự điều chỉnh mạnh và vẫn đang trong giai đoạn tích lũy. Cùng với tín hiệu tích cực từ việc người dân quay trở lại với kênh tiền gửi, thời gian tới anh Tuấn sẽ tiếp tục theo dõi và cân nhắc giải ngân một tỷ trọng nhất định cho 1 – 2 mã cổ phiếu nhóm này.

Còn theo chị Hoài, một nhà đầu tư khác, về cơ bản, tăng trưởng tín dụng cũng là một điểm sáng với nhóm các mã chứng khoán ngân hàng. Tuy nhiên, do chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 1/3 vốn hóa thị trường, nên để có thể trở lại đà tăng giá, sẽ cần nhiều hơn các trợ lực khác, trong đó, bối cảnh vĩ mô, sự phục hồi rõ nét của kinh tế, các ngành sản xuất giữ vai trò quan trọng hơn.

“Tôi nghĩ cần nhiều thời gian hơn để các cổ phiếu ngân hàng có thể hồi phục một cách rõ nét. Kể cả với việc nhiều ngân hàng cho thấy mục tiêu tham vọng và được hiện thực hóa một phần qua kết quả kinh doanh quý 1/2022, nhưng với nhóm này, vẫn cần quan sát thêm rất nhiều trước khi đầu tư”, chị Hoài cho biết.

Vẫn cần tích lũy

Đánh giá về câu chuyện tăng trưởng tín dụng “đột biến” 2 tháng đầu năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và tương đối ổn định trong thời gian gần đây. Đặc biệt, khi một số ngân hàng thực hiện tăng lãi suất tiền gửi, đảm bảo mức lãi suất cao hơn mức lạm phát nên đã hấp dẫn được người dân tham gia nhiều hơn.

Cùng với đó, cả hai lĩnh vực là bất động sản và thị trường chứng khoán đều đang gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến việc “nắn” dòng tiền đưa vào ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn. Với nhiều ngành sản xuất, việc tăng giá nguyên nhiên, vật liệu cũng làm tác động đến tâm lý, khiến nhiều người dân muốn gửi tiền vào ngân hàng để nghe ngóng thay vì mạnh dạn đầu tư.

“Lượng tiền gửi chỉ tăng so với năm ngoái chứ so với 2019 thì chưa đáng kể. Tăng trưởng mạnh về tiền gửi 2 tháng đầu năm mới chỉ giúp các ngân hàng đỡ lo hơn về tính thanh khoản và khả năng đáp ứng vốn cho thị trường. Tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tốt cho ngân hàng và cổ phiếu”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, điều này sẽ tác động tốt đến kết quả hoạt động, kinh doanh của các ngân hàng, từ đó có thể mang đến hiệu ứng tích cực cho các cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này sẽ chưa thể hiện ngay lập tức và cần thêm thời gian và các yếu tố khác nữa.

Đưa ra góc nhìn cẩn trọng hơn khi trao đổi cùng phóng viên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, với cổ phiếu ngân hàng, hiệu ứng tăng trưởng tiền gửi chỉ là một yếu tố và về cơ bản thì thanh khoản cả hệ thống đang tích cực. Tuy nhiên, ngành ngân hàng gắn bó mật thiết với các chính sách vĩ mô, tài khóa, lạm phát… ví dụ như khi lạm phát cao, lãi suất sẽ có xu hướng tăng, khi kinh tế gặp khó, thì chính sách tiền tệ nới lỏng, khi kinh tế “hung phấn” trở lại sẽ phải điều chỉnh, cân bằng lãi suất… Tất cả những điều này đều tác động đến hoạt động của các ngân hàng và giá cổ phiếu.

“Ngoài ra, bối cảnh hiện tại, hệ thống tài chính ngân hàng có liên quan mật thiết với thị trường bất động sản vì đây là lĩnh vực có dòng tiền lớn. Các vấn đề như nợ xấu, thế chấp, đều sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát kỹ bối cảnh vĩ mô, nhất là quan điểm của nhà quản lý chính sách về các vấn đề nổi cộm như tài chính, bất động sản. Bởi đây là những yếu tố sẽ tác động đến thị trường, cổ phiếu”.

Đánh giá về nhóm ngân hàng, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất đã có tác động tích cực đến việc thu hút trở lại dòng tiền gửi. Và việc nâng lãi suất huy động có thể ảnh hưởng tới NIM (biên độ lãi ròng) của các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có thể bù lại bằng cách tăng lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn được hưởng lợi từ gói bù lãi suất 2% của Chính phủ, nên có thể NIM giảm nhưng không quá nhiều.

Riêng với triển vọng của nhóm cổ phiếu vua, ông Khánh cho rằng, nửa đầu năm qua, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh, nhiều cổ phiếu bị đẩy lên mức cao. Hiện tại, sau các lần điều chỉnh, nhiều cổ phiếu nhóm này mới đang tiệm cận dần về mức hợp lý, mức định giá trong khoảng 1.5 – 1.7. Do đó, khả năng cao là cổ phiếu nhóm này sẽ còn đi ngang một thời gian nữa.

“Cổ phiếu vua đang gần về mức hợp lý, không đắt, không rẻ và khi như vậy thì diễn biến giá sẽ biến động dần theo hướng chung của toàn thị trường. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát thêm về triển vọng kinh tế năm 2023. Khả năng cao sẽ sideway down. Bi quan thì có thể về mức thấp hơn, còn nếu tình hình ổn định thì thị trường vẫn duy trì được trạng thái như hiện tại”, ông Khánh cho biết.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục