Trước hết, số liệu thống kê quý I/2014 cho thấy những kết quả rất đáng rất đáng khích lệ.
Đó là, thay vì chỉ tăng 4,75 và 4,76% trong cùng kỳ hai năm gần đây, GDP quý I/2014 đã tăng 4,96%. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ là hai khu vực tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu. Đây là cơ sở để hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay.
Một kết quả rất khích lệ khác là CPI quý I vừa qua chỉ tăng 4,83%, thay vì 6,91% trong cùng kỳ năm 2013 và 15,95% cùng kỳ năm 2012. Thực tế này chứng tỏ những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát tiếp tục thành công.
Điểm sáng khác là xuất nhập khẩu. Trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm là tăng xuất khẩu 10%, còn nhập khẩu được kiềm chế để bảo đảm tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%, nhưng xuất khẩu quý I ước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 12,4%; còn nhập khẩu chỉ đạt 32,3 tỷ USD, nên đã xuất siêu 1 tỷ USD, đạt tỷ lệ 3,1%.
Thêm nữa, số lượng doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng rất ấn tượng, báo hiệu triển vọng phục hồi kinh tế đã rất rõ trong năm nay.
Dù vậy, vẫn có đủ căn cứ để lo ngại rằng, nền kinh tế đang ở trong tình trạng “nông suy, bách nghệ…” tuy không bại như cha ông chúng ta từng đúc kết, nhưng khó có thể phát triển nhanh.
Trong khi nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế phục hồi rất rõ ràng như đã nói ở trên, nhưng quý I/2014 là năm thứ hai liên tiếp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại.
Các số liệu thống kê cho thấy, tính theo giá thực tế, tỷ trọng của khu vực kinh tế này trong “rổ GDP” quý I/2011 chiếm 15,35%; quý I/2012 chiếm 15,50%; quý I/2013 chỉ còn chiếm 13,25% và quý I năm nay chạm đáy với 12,88%. Trong đó, đáng ngại nhất lại là khu vực nông nghiệp, khu vực vẫn còn là sinh kế của gần 60% dân cư nông thôn và gần 40% dân cư của nước ta.
Điều này có nghĩa là, khoảng cách giàu nghèo không chỉ giữa hai khu vực đô thị và nông thôn, mà ngay trong lòng nông thôn cũng doãng rộng quá nhanh trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này trước hết là do giá nông sản thế giới đã giảm mạnh 3 năm liên tiếp.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, là quốc gia có thứ hạng rất đáng nể trong xuất khẩu nhiều nông sản chủ yếu ra thị trường thế giới, khu vực nông nghiệp của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn rất gay gắt này.
Các kết quả tính toán từ xuất khẩu 7 mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị 3 tháng đầu năm nay cho thấy, kim ngạch đã “co lại” chỉ còn hơn 3 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2013, thì phải là hơn 3,2 tỷ USD và quy về giá năm 2012, thì phải hơn 3,3 tỷ USD, còn nếu quy về giá năm 2011 thì phải hơn 3,5 tỷ USD, tức là chúng ta bị thua thiệt về giá lần lượt là 5,3%; 8,8% và 15,3%.
Đây chính là “điểm tối như mực” mà bức tranh xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu hàng nông sản rất sáng sủa hiện nay đã khỏa lấp.
Không những vậy, có nhiều khả năng khó khăn này vẫn còn tiếp tục. Bởi lẽ, theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế, giá lương thực, thực phẩm và đồ uống sẽ không chỉ giảm mạnh trong năm nay, mà năm 2015 vẫn còn tiếp tục giảm mạnh và xu thế giảm này sẽ còn kéo dài sang năm 2016. Trong đó, riêng đối với nhóm hàng lương thực, năm nay sẽ là năm giá “rơi tự do” 20,5%, còn hai năm tiếp theo vẫn giảm 2,4% và 1,8%.
Rõ ràng, nếu những dự báo này là đúng, nền nông nghiệp nước ta sẽ phải đối mặt với khó khăn trong 5 năm liên tiếp. Đây là điều đã từng diễn ra hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đây cũng là những năm mà nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước ta tụt dốc rất mạnh.