Nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường hàng không

Nhiều điều kiện kinh doanh hàng không dân dụng bao gồm khai thác cảng, dịch vụ mặt đất, sửa chữa tàu bay và vận tải hành khách và hàng hóa đã được nới lỏng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường đang có tốc độ tăng trưởng cao này.
Nghị định số 89/2019/NĐ-CP điều chỉnh khá nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không. Nghị định số 89/2019/NĐ-CP điều chỉnh khá nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không.

Nhẹ áp lực vốn

“Nếu các hãng hàng không mới như Vinpearl Air, Cánh Diều (Kite Air), hãng hàng không lữ hành Vietravel tiến hành nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau hơn 1 tháng nữa, họ sẽ gặp khá nhiều thuận lợi”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) đánh giá.

Ngày 1/1/2020 chính là thời điểm Nghị định số 89/2019/NĐ - CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ - CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung (Nghị định số 89) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực.

Cần phải nói thêm rằng, dù Nghị định số 89 chỉ có 4 điều, nhưng điều chỉnh khá nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không - hai lĩnh vực đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Cụ thể, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thị trường hàng không, Nghị định số 89 đã điều chỉnh lại mức tối thiểu thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không theo hướng không phân định giữa doanh nghiệp khai thác quốc tế và nội địa, mức vốn tối thiểu lựa chọn là mức vốn thấp (áp dụng khai thác nội địa.

Cụ thể, mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng; khai thác từ 11 đến 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng. “Trước đây, số vốn quy định này cao hơn khá nhiều, tương ứng là 700 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng. Nếu chỉ khai thác nội địa mà không khai thác quốc tế, số vốn này cũng giảm tới vài trăm tỷ đồng, tuỳ số lượng tàu bay khai thác”, ông Ngọc đánh giá.

Trên thực tế, vốn tối thiếu để thành lập và duy trì hãng bay luôn là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Với quy định vừa được điều chỉnh, áp lực vốn đã được giảm đáng kể, khi ngay từ khi nộp hồ sơ xin giấy phép, các hãng hàng không đã phải ký quỹ, phong tỏa hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng cho đến khi nhận được giấy phép.

Tính toán sơ bộ cho thấy, nếu chiểu theo Nghị định số 92, thì với quy mô như tại hồ sơ Dự án Thành lập hãng hàng hàng không đang được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, Vinpearl Air sẽ cần tối thiểu 1.300 tỷ đồng, Vietravel Air là 700 tỷ đồng.

Một điều kiện nữa cũng đã được loại bỏ trong Nghị định sửa đổi mới ban hành của Chính phủ là việc “phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT hàng không”, đồng nghĩa với việc để lấy được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.

Nghị định mới cũng bãi bỏ quy định về việc chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốn của doanh nghiệp hàng không cho đối tác nước ngoài.

Trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không, Nghị định số 89 bãi bỏ các điều kiện được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thành lập doanh nghiệp; được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng cho nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời sửa đổi mức vốn tối thiểu kinh doanh cảng hàng không, sân bay theo hướng không phân định giữa cảng nội địa và cảng quốc tế và mức vốn tối thiểu được lựa chọn là mức thấp (100 tỷ đồng), tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài không quá  30% vốn điều lệ.

Trong lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không, Chính phủ đã sửa đổi mức vốn kinh doanh tối thiểu cảng hàng không, sân bay theo hướng không phân định giữa cảng hàng không nội địa và quốc tế; mức vốn tối thiểu được lựa chọn cũng là mức vốn thấp (100 tỷ đồng). Điều kiện vốn tối thiểu đã được hạ khá nhiều cho các nhà đầu tư mới tham gia cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách (30 tỷ đồng); cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa (30 tỷ đồng) và dịch vụ xăng dầu hàng không (30 tỷ đồng).

Vẫn giới hạn nhà đầu tư ngoại

Một điểm đáng chú khác tại Nghị định số 89 là quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 3 điều kiện: nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định, trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được ấn định là 30%. Theo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ GTVT, việc hạn chế số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 34% vốn điều lệ là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, ít nhất 2 hãng hàng không muốn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không như Nghị định số 92.

“Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoại chỉ nên ở mức 34% và chỉ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại sau 2 năm kể từ khi cấp phép”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific đề xuất.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hàng không đã tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán như Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN), Vietjet (mã chứng khoán VJC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (mã chứng khoán ACV), trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Chính phủ đã bãi bỏ các quy định về chấp thuận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốn góp của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không cho bên nước ngoài.

Tuy nhiên, để giúp cơ quan quản lý nhà nước có đủ thông tin, doanh nghiệp vận tải hàng không phải thực hiện thông báo bằng văn bản với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện thay đổi đối với việc sửa đổi điều lệ hoạt động, điều lệ vận chuyển; thành viên bộ máy điều hành, thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên.

Mặc dù trong quá trình soạn thảo, không ít ý kiến đề nghị bỏ quy định giới hạn tuổi tàu bay, đặc biệt là tàu vận tải hàng hóa, nhưng Nghị định số 89 vẫn tiếp tục quy định khá chặt chẽ. Theo đó, tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện vận chuyển hành khách vẫn không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung, tuổi quy định không vượt quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu theo hợp đồng mua, thuê mua và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

“Quy định như vậy cũng là để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí cho chính nhà khai thác”, ông Ngọc phân tích.

Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa

Đến hết quý II/2019, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt). Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2018. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%.

Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 cảng hàng không, trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 9 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục