Nếu như Dự án Vinpearl Air được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đánh giá là không trái với quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, thì mô hình hoạt động của Vietravel được ủng hộ bởi tính chất mới mẻ, đặc thù của sản phẩm.
Cụ thể, mô hình khai thác dự kiến của Dự án Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì hiện Việt Nam chưa có hãng hàng không cung cấp dịch vụ này.
Trong trường hợp hồ sơ thành lập hãng hàng không Cánh Diều được phê duyệt, thì khả năng rất cao là trong năm tới, thị trường hàng không sẽ có ít nhất 3 hãng hàng không mới gia nhập.
Cần phải nói thêm rằng, nếu 20 năm trước, thị trường hàng không nội địa chỉ có sự góp mặt đơn độc của hãng hàng không quốc gia, thì đến giữa tháng 9/2019, cả nước đã có 5 hãng hàng không bay thường lệ và 6 hãng hàng không chung.
Con số hãng hàng không bay thường lệ sẽ sớm được nâng lên thành 8 hãng vào đầu năm 2020 khi 3 hãng mới nhận được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng lộ trình, đã cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của thị trường và độ mở trong chính sách cấp phép mới của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cần phải nói thêm rằng, trong giai đoạn vừa qua, dù có nhiều khó khăn về hạ tầng cảng hàng không, nhưng thị trường hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình giai đoạn 2014-2018 đạt 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.
Với dự báo và tiềm năng phát triển của thị trường hàng không, việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ chủ trương việc thành lập các hãng hàng không mới cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với hệ thống quy hoạch ngành và các quy hoạch có liên quan.
Kinh nghiệm cho thấy, hành khách và lĩnh vực du lịch chính là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất do sự xuất hiện của các hãng hàng không mới với mô hình kinh doanh khác biệt, đã tạo nên sự phong phú về giá vé cũng như mạng đường bay.
Sau những cái tên như Vinpearl Air, Vietravel Air, Cánh Diều... sẽ rất khó để trả lời câu hỏi, thị trường hàng không nội địa cần bao nhiêu hãng hàng không là đủ?
Nhưng trong quá trình hình thành và phát triển lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, cụ thể là việc thành lập mới hãng hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định; hạn chế, loại bỏ hiện tượng phát triển, tăng trưởng không bền vững; tăng cường, củng cố vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với các thể chế chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với quá trình phát triển...
Bên cạnh đó, việc thành lập mới hãng hàng không phải góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh toàn hệ thống; phải bảo đảm yêu cầu có sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh; đảm bảo theo đúng định hướng và vận hành của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN ở Việt Nam.
Đặc biệt, đề án thành lập hãng hàng không mới phải có tính khả thi, đảm bảo các nội dung được thực hiện theo đúng các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc nhất quán, tránh hiện tượng thay đổi nội dung đề án sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là những điều kiện cần và đủ để thị trường hàng không phát triển lành mạnh, tránh lặp lại trường hợp vừa bay đã “gẫy cánh” như Indochina Airlines, Mekong Air hay Hãng bay lữ hành Thomas Cook (Anh)... Nếu để xảy ra những trường hợp tương tự, thì hệ lụy sẽ rất tai hại mà người gánh chịu cuối cùng chính là hành khách và cơ quan quản lý.