Trong phiên thứ Ba, Dow Jones và S&P 500 đã có phiên giảm mạnh nhất hơn 1 tháng sau khi dữ liệu công bố cho thấy, hoạt động của các nhà máy Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc làm cản trở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo báo cáo của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số ISM hoạt động sản xuất trong tháng 9 giảm xuống mức 47,8 sau khi đã giảm mạnh trong tháng 8 và thấp hơn nhiều mức kỳ vọng 50,1 của giới phân tích. Mức dưới 50 cho thấy sự sụt giảm của sản xuất.
Nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi dữ liệu việc làm được công bố vào thứ Sáu này để xem liệu kinh tế Mỹ bị tác động tiêu cực như thế nào vì cuộc chiến thương mại.
Dữ liệu kinh tế yếu kém được công bố đẩy các chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh, trong khi chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 2,3% lên 18,56 điểm, mức cao nhất 1 tháng.
Kết thúc phiên 1/10, chỉ số Dow Jones giảm 343,79 điểm (-1,28%), xuống 26.573,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,49 điểm (-1,23%), xuống 2.940,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 90,65 điểm (-1,13%), xuống 7.908,68 điểm.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số cũng mở cửa với sắc xanh và lình xình gần tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, tuy nhiên, trong nửa cuối phiên chiều, khi thị trường Mỹ mở cửa với dữ liệu hoạt động nhà máy của Mỹ yếu kém được công bố, giới đầu tư châu Âu cũng giật mình lo sợ và đồng loạt bán ra, đẩy các chỉ số lao mạnh cuối phiên.
Kết thúc phiên 1/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 47,89 điểm (-0,65%), xuống 7.360,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 164,25 điểm (-1,32%), xuống 12.263,83 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 80,15 điểm (-1,41%), xuống 5.597,63 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh Trung Quốc, thì chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trở lại trong phiên đầu tháng nhờ đà tăng phiên tối trước đó của phố Wall, nhất là các cổ phiếu có liên quan đến Apple và y tế.
Kết thúc phiên 1/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 129,40 điểm (+0,59%), lên 21.885,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,45% lên 2.072,42 điểm.
Trên thị trường vàng, sau phiên lao dốc mạnh đầu tuần mới (30/9), giá kim loại quý này lình xình trong suốt phiên giao dịch châu Á và châu Âu trong phiên thứ Ba, nhưng khi bước vào phiên giao dịch Mỹ với dữ liệu kinh tế yếu kém được công bố, đẩy chứng khoán lao dốc đã kéo giá vàng quay đầu tăng trở lại và lấy lại được phần nào những gì đã mất trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 1/10, giá vàng giao ngay tăng 7,1 USD (+0,48%), lên 1.478,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 16,1 USD (+1,09%), lên 1.489,0 USD/ounce.
Nỗ lực trở lại sau chuỗi phiên giảm liên tiếp, nhưng giá dầu thô sau đó đã quay đầu giảm sau khi dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên 1/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,45 USD (-0,84%), xuống 53,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,05%), xuống 60,75 USD/thùng.