Mỹ “ủ đòn” loại doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc

Chính quyền Mỹ đang toan tính hất cẳng doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán nước này - một động thái được cho là đẩy căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Sàn chứng khoán New York trước giờ đóng cửa ngày 21/6/2019. Ảnh: AFP Sàn chứng khoán New York trước giờ đóng cửa ngày 21/6/2019. Ảnh: AFP

Siết đầu tư của Trung Quốc

 Động thái trên nhằm siết hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, hai nguồn thạo tin cho biết ngày 27/9. Một nguồn tin khác cho hay, động thái này được chính quyền Tổng thống Donald Trump “chống lưng” bởi hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc lâu nay khiến Mỹ rất lo ngại về an ninh quốc gia.

Nhiều chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ trượt dốc sau thông tin trên. Đáng nói, động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHND Trung Hoa (ngày 1/10) và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ "đóng cửa” nghĩ lễ 1 tuần.

Cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (mã BABA.N) chốt phiên 27/9 lao dốc 5,15%. Cổ phiếu JD.com (mã JD.O) trượt 5,95% còn cổ phiếu Baidu Inc (mã BIDU.O) mất 3,67%. Cổ phiếu quỹ đầu tư iShares China Large-Cap ETF (mã FXI.P) giảm 1,15%.

Trong khi đó, cổ phiếu của Intercontinental Exchange Inc - chủ sở hữu Sàn chứng khoán New York (mã ICE.N) đóng cửa mất 1,88% còn cổ phiếu của Nasdaq Inc (mã NDAQ.O) sụt 1,70%.

Tháng 6 vừa qua, các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thống nhất đề xuất một dự luật để buộc các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý, trong đó đề cập đến việc hoặc các công ty này bị kiểm toán hoặc phải rời sàn.

Vốn dĩ lo ngại an ninh quốc gia nên chính quyền Trung Quốc lâu nay không hoan nghênh việc cơ quan quản lý nước ngoài “mó tay” vào các công ty kiểm toán của nước này, kể cả các công ty thành viên của nhóm 4 hãng kiểm toán lớn trên thế giới “Big Four”.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho rằng, Bắc Kinh không còn “cửa” bệ đỡ các công ty niêm yết tại Mỹ và các doanh nghiệp này buộc phải tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ về minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình.

Một nguồn tin cho biết ý tưởng hất cẳng các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ là đòn sốc của thương chiến Mỹ - Trung thời gian qua.

“Đây là ưu tiên rất cao của chính quyền Mỹ. Việc các công ty niêm yết của Trung Quốc không tuân thủ quy trình của Ủy ban Giám sát Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư Mỹ,” nguồn tin trên nhận định.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết kế hoạch trên thuộc diện phê chuẩn của Tổng thống Trump - người đã bật đèn xanh cho việc bàn thảo kế hoạch.

Các quan chức Mỹ cũng đang tìm cách hạn chế hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc “có mặt” trong các chỉ số chứng khoán do doanh nghiệp Mỹ quản lý. Trước mắt vẫn chưa có quyết định hay hành động nào, hai nguồn thạo tin cho biết.

Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, tính đến tháng 2/2019, 156 công ty Trung Quốc đã niêm yết trên hai sàn chứng khoán NASDAQ và New York, trong đó ít nhất 11 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Sàn chứng khoán New York (NYSE) ngày 27/9 từ chối bình luận vấn đề trên, trong khi Nasdaq, MSCI, S&P và FTSE Russell phản hồi không thể bình luận ngay được.

Sau thông tin về ý tưởng “đá” công ty niêm yết của Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, đồng nhân dân tệ giao dịch ở hải ngoại đã trượt giá so với đô la Mỹ về gần mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua.

Ý tưởng hay chiêu trò?

 Đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến diễn ra trong 2 ngày 10-11/10 sau loạt đòn thuế quan ăn miếng trả miếng nhiều tháng qua, làm “rung lắc” thị trường tài chính và thương mại thế giới đồng thời suy giảm tăng trưởng toàn cầu.

Việc tung “ý tưởng” loại các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc khỏi thị trường Mỹ không ngoài mục đích đối phó với mô hình hoạt động quân sự - dân sự kết hợp của các hãng công nghệ Trung Quốc và chương trình phát triển công nghiệp “Made in China 2025” nhằm tạo sức mạnh thống trị của các ngành công nghiệp chủ chốt và tăng cường giám sát ở Tân Cương, một nguồn tin cho biết.

Nguồn tin cho hay phía Mỹ từ lâu lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc dùng vốn huy động từ Mỹ để thúc đẩy mạnh các hoạt động trên, nhất là khi ranh giới giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc rất mong manh.

“Điều này khiến tình hình càng trở nên bất ổn và bất lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh,” ông Scott Brown, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Raymond James đánh giá.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc thường tung ra các động thái hiếu chiến trước các vòng đàm phán trước đây, ông Brown nói.

“Bạn sẽ không bao giờ biết liệu đó có phải chiêu trò để đẩy tình hình lên không,” vị chuyên gia nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/9 đã chỉ trích hoạt động thương mại của Bắc Kinh trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Nhưng ngay hôm sau, chính ông Trump lại hé lộ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung suốt 15 tháng qua sẽ sớm đạt thỏa thuận.

Phía Trung Quốc khẳng định họ sẽ không để doanh nghiệp Trung Quốc chịu sự giám sát của Ủy ban Giám sát Công ty Đại chúng Mỹ, bởi nước này có quy tắc cấm lưu trữ, xử lý hoặc chuyển giao bất kỳ tài liệu nào được coi là bí mật nhà nước hoặc vấn đề an ninh quốc gia.

Kyle Bass - nhà quản lý quỹ Hedge fund (quỹ đầu tư có tính đại chúng thấp) - khuyến cáo, các công ty Trung Quốc nên tuân thủ luật lệ Mỹ nếu họ muốn bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư Mỹ.

Mỹ có thể yêu cầu bất kỳ cổ phiếu nào được bán ở Mỹ đều phải tuân thủ Luật Chứng khoán Mỹ, ông Bass đăng tải trên trang cá nhân Twitter.

Lê Quân (Reuters)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục