Gác lại nỗi lo thương chiến, giới đầu tư tự tin xuống tiền

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tốt của các tập đoàn lớn đã giúp phố Wall tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới và cũng là phiên cuối tháng 9, cuối quý III (30/9).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Kết quả kinh doanh tích cực của Apple, Microsoft và Merck&Co đã giúp giới đầu tư tạm gác qua một bên nỗi lo thương chiến và căng thẳng chính trị để xuống tiền trong phiên giao dịch đầu tuần mới, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall phục hồi tốt.

Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá cổ phiếu Apple tăng 2,4% sau khi CEO Tim Cook nói với nhật báo Đức rằng doanh số iPhone mới nhất của Công ty có sự khởi đầu mạnh mẽ, trong khi JP Morgan tăng dự báo về khối lượng giao hàng.

Cổ phiếu của Microsoft cũng tăng 0,9% và cổ phiếu của Merck & Co Inc tăng 1,5% khi công bố dữ liệu đầy hứa hẹn cho loại thuốc trị ung thư Lynparza do công ty này hợp tác với AstraZeneca PLC (Anh) sản xuất.

Ngoài ra, tâm lý của giới đầu tư cũng được cải thiện khi Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro bác bỏ các báo cáo rằng chính quyền Trump đang xem xét hủy bỏ các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ như tin đồn.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones tăng 96,58 điểm (+0,36%), lên 26.916,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,95 điểm (+0,50%), lên 2.976,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 59,71 điểm (+0,75%), lên 7.999,34 điểm.

Trong tháng 9, chỉ số Dow Jones tăng 1,95%, S&P 500 tăng 1,72%, lấy lại hết những gì đã đánh mất trong tháng trước, trong khi chỉ số Nasdaq chỉ tăng 0,46%, trong khi tháng trước giảm tới 2,6%.

Trong quý III, Dow Jones tăng 1,19%, S&P 500 cũng tăng 1,19%, quý tăng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq lại quay đầu điều chỉnh 0,09%, chấm dứt chuỗi 2 quý tăng liên tiếp.

Tương tự, các thông tin và diễn biến tích cực khi phố Wall mở cửa đã giúp chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng trong cuối phiên dù phần lớn thời gian trước đó giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 18,00 điểm (-0,24%), xuống 7.408,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 44,14 điểm (+0,38%), lên 12.428,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 37,21 điểm (+0,66%), lên 5.677,79 điểm.

Chốt tháng 9, chỉ số FTSE tăng 2,79%, lấy lại được hơn phân nửa những gì đã mất trong tháng trước; chỉ số DAX tăng 4,09% và CAC 40 tăng 3,60%, lấy lại được cả vốn lẫn lãi đã cho đi trong tháng trước.

Trong quý III, FTSE quay đầu giảm 0,23% sau 2 quý tăng đầu năm, trong khi DAX và CAC40 vẫn duy trì được quý tăng thứ 3 liên tiếp trong năm với mức tăng lần lượt là 0,24% và 2,51%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Mỹ đe dọa sẽ đuổi các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến giới đầu tư lo sợ, đẩy chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản giảm điểm trong phiên đầu tuần. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều tăng điểm bất ngờ, nhưng vẫn có quý giảm mạnh nhất 4 năm do biểu tình và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 123,06 điểm (-0,56%), xuống 21.755,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,98 điểm (-0,92%), xuống 2.905,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 84,76 điểm (+0,33%), lên 26.039,57 điểm.

Dù chịu nhiều sóng gió, nhưng trong tháng 9, Nikkei 225 vẫn tăng mạnh 5,08% sau khi giảm 3,8% tháng trước. Chỉ số Hang Seng cũng tăng 1,22% sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó. Chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều hồi nhẹ 0,66% sau 2 tháng giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, trong quý III lại có sự trái chiều khi Nikkei 225 tăng 2,26%, quý tăng thứ 3 liên tiếp trong năm, trong khi Hang Seng và Shanghai Composite có quý giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt 8,77% và 2,47%, trong đó mức giảm của Hang Seng là lớn nhất theo quý trong 4 năm.

Thị trường chứng khoán tăng, cùng với việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần mới xuống mức thấp nhất 7 tuần.

Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay giảm 24,4 USD (-1,63%), xuống 1.471,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 33,5 USD (-2,22%), xuống 1.472,9 USD/ounce.

Những phiên giảm mạnh liên tiếp cuối tháng khiến giá vàng quay đầu giảm hơn 3% trong tháng 9, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, nhờ tháng 8 bùng nổ, nên chốt quý III, giá vàng vẫn có mức tăng hơn 4,4%.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới do nỗi lo thương chiến sẽ làm giảm nhu cầu dầu trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,84 USD (-3,40%), xuống 54,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,13 USD (-1,86%), xuống 60,78 USD/thùng.

Giá dầu thô đã không thể bứt lên như dự đoán của giới đầu tư sau các vụ tấn công nhà máy dầu Ả Rập Xê út hôm 14/9. Sự kiện này chỉ khiến thị trường dầu mỏ chao đảo trong phiên 16/9, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt và trả lại hết những gì đã có trong phiên này.

Trong tháng 9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,87%, trong khi dầu thô Brent tăng nhẹ 0,58%, nhưng tính cả trong quý III, giá dầu thô Mỹ giảm 7,53%, giá dầu thô Brent giảm 8,67% quý giảm thứ 2 liên tiếp sau khi tăng vọt trong quý I (tăng hơn 30%), trong đó, giá dầu thô Brent có quý giảm mạnh nhất trong năm.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục