Nỗi lo dịch bệnh lây lan dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
Việc đi lại, di chuyển của người dân tăng cao trên diện rộng trong dịp Tết cổ truyền đang đặt ra nhiều mối lo về việc kiểm soát dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Nguy cơ lây lan biến chủng mới

Tết Nhâm Dần năm nay có phần đặc biệt, vì dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca mắc mới còn ở mức cao, nguy cơ lây lan biến chủng mới Omicron trong cộng đồng đang hiện diện. Vì vậy, việc đi lại, di chuyển tăng cao trên diện rộng đang gây ra nhiều mối lo.

Bối cảnh trên đặt ra những yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh với chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng, cũng như mỗi cá nhân. Sự bất cẩn, chủ quan, vô ý thức của một số cá nhân rất có thể khiến dịch bệnh bùng phát, đe dọa sức khỏe của cộng đồng, phá hủy thành quả mà chúng ta phải rất nỗ lực mới đạt được.

Một số địa phương yêu cầu người dân phải tuân thủ nghiêm các quy tắc phòng, chống dịch bệnh, nhưng không hạn chế người về quê đón Tết, không giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch. Một số địa phương lại yêu cầu người đến từ tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Trong khi đó, có địa phương thực hiện biện pháp cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam; người từ vùng vàng và vùng xanh về địa phương phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày, kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Thậm chí, có nơi khuyến cáo người dân cần về quê trước 22 ngày để theo dõi và phải thực hiện xét nghiệm cho kết quả âm tính đủ 3 lần với SARS-CoV-2, như vậy, người dân muốn về quê đón Tết phải xin nghỉ làm cả tháng. Bên cạnh đó, có địa phương gửi thư ngỏ, đồng thời tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không nên trở về nếu không thật sự cần thiết.

Với nhiều quy định còn khá ngặt nghèo của một số địa phương trước việc người dân về quê đón Tết, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, chúng ta không chủ quan, song cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi thái quá để trở nên cực đoan, siết chặt các hoạt động kinh tế, xã hội, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

“Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với tình trạng ‘siêu lây nhiễm’ do biến chủng mới Omicron xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người. Vì vậy, mỗi người dân cần đề cao ý thức trách nhiệm; hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người; không được chủ quan, lơ là; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch. Mỗi người, trong mọi hoàn cảnh, cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”, chuyên gia khuyến cáo.

Điều chỉnh linh hoạt

Theo các chuyên gia, khi thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn với Covid-19, việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, nên trong tiếp xúc hằng ngày, rất khó để nhận biết người đối diện có mang mầm bệnh hay không. Nguy cơ này sẽ càng gia tăng trong các kỳ nghỉ lễ.

Lo ngại từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19; quản lý, giám sát chặt chẽ người đi, đến địa phương; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân cùng với các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, để thực hiện hiệu quả mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, các địa phương không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Tại Hà Nội, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh, Thủ đô duy trì thường trực 24/7 các đội phòng chống dịch cơ động; các cơ sở y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, luôn sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời, không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Dương Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục