Không chỉ trong 2 năm 2020 - 2021 mà từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Chẳng hạn, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ. Ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời với đó là ban hành Thông tư tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, gia hạn chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, nâng mức cho vay.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tôi cũng muốn lưu ý một vấn đề là, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, mobile money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt).

Nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhằm phát triển các dịch vụ trực tuyến là mục tiêu xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tại các ngân hàng.

Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp. Giải pháp đầu tiên có tính truyền thống là mở rộng mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Cụ thể, từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, văn phòng đại diện cho các tổ chức tín dụng. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân; có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 115 chi nhánh, phòng giao dịch và khoảng 400 chương trình dự án tài chính vi mô hoạt động khá tốt tại nhiều tỉnh, thành phố.

Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Một minh chứng là riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp. Hay như chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ). Tính đến cuối năm 2021, ước tính đã có hơn 625.000 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay trên 48.000 tỷ đồng, dư nợ 1.951 tỷ đồng.

Cơ chế chính sách là chung cho cả nước, không có sự thiên lệch, bất bình đẳng đối với từng lĩnh vực hay khu vực. Tuy nhiên, đặc thù lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là nơi có nhiều khó khăn do tác động của môi trường, thiên tai, dịch bệnh, do tính chất sản xuất - kinh doanh và cũng là khu vực dễ phát sinh hoạt động tín dụng phi chính thức (tín dụng đen) dẫn đến những tổn thất, rủi ro nên ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp tín dụng nhằm tăng khả năng cung ứng vốn của ngân hàng và tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân khu vực này với tín dụng chính thức.

Chúng tôi cũng đã trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP với các chính sách khuyến khích về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, cơ chế xử lý rủi ro (cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ), tăng khả năng, mức tự quyết định chủ động cho các tổ chức tín dụng. Có thể nói, đây là một chính sách rất thuận lợi, tích cực, trực tiếp hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn vừa qua và hiện nay.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực. Cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay tái canh cà phê, hỗ trợ sản xuất, thu mua chế biến lúa gạo, cho vay thủy sản, rau quả...

Lãi suất - câu chuyện luôn nhận được sự quan tâm, sát sao của xã hội đã được cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thấp hơn lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường (hiện nay là 4,5%/năm).

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai có hiệu quả 23 chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm 1,81%/năm so với trước dịch.

Liên quan đến xây dựng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Mục tiêu nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Các thông tư được ban hành kịp thời đã giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Đồng thời, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thực hiện tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền 2.011 tỷ đồng đối với 2.333 khách hàng để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 530.474 lượt người lao động. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đồng loạt giảm 10% lãi suất cho vay các tổ chức tín dụng đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng đến các thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế người dân tìm đến các nguồn tín dụng phi chính thức, phát triển tín dụng khu vực nông thôn.

Trước hết, nguyên nhân về phía khách hàng đó là thiếu năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh, các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; hay như thông tin do khách hàng cung cấp còn thiếu minh bạch, chưa kể đến việc khách hàng có nhiều loại giấy tờ cá nhân, hiệu lực không đồng nhất nhưng hiện chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng và chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, một số khách hàng vẫn tìm đến tín dụng phi chính thức do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp.

Từ phía các tổ chức tín dụng, cũng có vấn đề do quá lo lắng để đảm bảo không bị nợ xấu nên thủ tục cho vay của một số ngân hàng là quá chặt chẽ, chưa kịp thời. Việc phân cấp, phân quyền hạn mức cho vay cũng thiếu linh hoạt, làm cho việc tiếp cận vốn còn khó khăn, nhưng tôi cho rằng điều này không nhiều vì các tổ chức tín dụng đang phải tìm khách hàng, cạnh tranh rất gay gắt. Các ngân hàng đều khoán chỉ tiêu tín dụng, tài chính cho các chi nhánh để kinh doanh, vì thế khách hàng bây giờ là quan trọng nhất của tổ chức tín dụng.

Nguyên nhân còn xuất phát từ môi trường và các điều kiện kinh tế - xã hội để tín dụng đen tồn tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 khiến việc chứng minh khả năng trả nợ của khách hàng gặp khó khăn, người dân có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên. Thêm vào đó, nhiều người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay lãi nặng do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn. Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp khi mà việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng... Đồng thời, vẫn có sự tồn tại của các quan hệ vay mượn dân sự, cung ứng tài chính tiêu dùng của các tổ chức không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, mà hoạt động cho vay thu hồi nợ gây bức xúc trong dư luận.

Nhằm góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế tín dụng phi chính thức, thời gian tới, toàn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp theo kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg.

Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng. Hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, kinh tế trong nước phục hồi.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.

Tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có chính sách lãi suất phù hợp, công khai, minh bạch lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp thu hồi nợ bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Trên thực tế, ngành ngân hàng đã rất tích cực, nỗ lực trong việc cung ứng vốn vay, đẩy mạnh kênh cung ứng tín dụng chính thức. Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng phi chính thức cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công an. Đây là cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.

Một trong những giải pháp hiệu quả đó là sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm tín dụng - ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của tín dụng phi chính thức.

Dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.

Việc mở rộng quy mô tín dụng cùng với việc triển khai những chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi (cả về vốn và lãi suất) nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì không chỉ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ trong việc cung ứng tiền từ Ngân hàng Nhà nước, mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung - dài hạn và làm méo mó thị trường lãi suất, thị trường tín dụng khi có nhiều gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi khác nhau cùng được triển khai.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khó chứng minh rõ phương án vay vốn hiệu quả, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn. Còn nếu quá dễ dàng để cho vay sẽ dễ dẫn đến việc nới lỏng điều kiện vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và ngược lại.

Chúng tôi đã định hướng trọng tâm năm 2022 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm nay, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đồng thời, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, duy trì chỉ số chiều sâu và nâng cao độ phủ thông tin tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa, số hóa, điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số…

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng sẽ thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ các giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tất cả nỗ lực nhằm góp phần đưa đất nước từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.