Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể tử cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 khi nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch Covid-19.
Tổ chức này dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1 chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu này được theo dõi năm 1992. Trong khi đó, báo cáo của Fed cho thấy, sản lượng sản xuất tại các nhà máy giảm 6,3% trong tháng 3, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/1946.
Các báo cáo đưa ra trong bối cảnh có hàng triệu người lao động Mỹ mất việc, càng làm tăng thêm mối lo suy thoái kinh tế tồi tệ hơn cuộc đại suy thoái 1930.
Về phía các doanh nghiệp, Bank of America, Citigroup theo chân JPMorgan Chase và Well Fargo báo cáo kết quả kinh doanh thất vọng trong quý I khi lợi nhuận sụt giảm mạnh. Thậm chí, lợi nhuận Goldman Sachs còn giảm một nửa khi phải gia tăng trích lập dự phòng cho các khoản vay có khả năng mất trong thời gian tới.
Với các thông tin tiêu cực liên tiếp được đưa ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã đẩy mạnh bán ra, đẩy phố Wall giảm trở lại trong phiên thứ Tư, trả hơn nửa những gì đã có trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones giảm 445,41 điểm (-1,86%), xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 62,70 điểm (-2,20%), xuống 2.783,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 122,56 điểm (-1,44%), xuống 8.393,18 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp bằng phiên lao dốc mạnh hôm thứ Tư với các chỉ số chính đều giảm trên 3%. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp công bố đầu tiên trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I kém khả quan cho thấy những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng lao theo giá dầu thô cũng khiến chứng khoán châu Âu lao dốc.
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 193,66 điểm (-3,34%), xuống 5.597,65 điểm. Chỉ số DAX30 tại Fankfurt (Đức) giảm 416,80 điểm (-3,90%), xuống 10.279,76 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 170,18 điểm (-3,76%), xuống 4.353,72 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Tổng tuyển cử, còn lại các thị trường khác đều điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng tốt trước đó, cùng tâm lý bất an trở lại sau khi IMF dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm nay.
Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 88,72 điểm (-0,45%), xuống 19.550,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,11 điểm (-0,57%), xuống 2.811,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 290,06 điểm (-1,19%), xuống 24.145,34 điểm.
Bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, giá vàng trong phiên thứ Tư lại quay đầu điều chỉnh khá mạnh do áp lực chốt lời khi leo lên mức cao nhất 7 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 15/4, giá vàng giao ngay giảm 10,6 USD (-0,61%), xuống 1.716,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 29,5 USD (-1,68%), xuống 1.727,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 28,7 USD (-1,62%), xuống 1.740,2 USD/ounce.
Thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ mới không đủ để bù đắp cho nỗi lo sụt giảm nhu cầu khiến giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm khá mạnh ngày thứ Tư, trong đó giá dầu thô Mỹ rơi xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng.
Kết thúc phiên 15/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-1,21%), xuống 19,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,91 USD (-6,90%), xuống 27,69 USD/thùng.