Giới đầu tư thận trọng đón mùa công bố kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Phố Wall trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng mức biến động không còn quá lớn như các phiên gần đây khi giới đầu tư thận trọng với kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp.
Giới đầu tư thận trọng đón mùa công bố kết quả kinh doanh

Sau phiên nghỉ lễ Phục sinh cuối tuần trước, phố Wall trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới với sự thận trọng của các nhà đầu tư trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý I bắt đầu đến.

S&P 500 giảm hơn 1% do các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn đầu là JPMorgan và Wells Fargo giảm khi giới đầu tư dự đoán các ngân hàng này sẽ có kết kinh doanh ảm đạm trong quý I. Hai nhà băng này sẽ công bố kết quả kinh doanh vào thứ Ba, mở màn cho mùa công bố kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp trên S&P 500.

Dow Jones cũng giảm khi giới phân tích dự báo kết quả kinh doanh của một số tập đoàn công nghiệp không khả quan do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong khi đó, Nasdaq lại có được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Amazon khi đại gia này cho biết tuyển thêm 75.000 nhân viên do các đơn đặt hàng tăng mạnh trong mùa dịch.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones giảm 328,6 điểm (-1,39%), xuống 23.390,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 28,19 điểm (-1,01%), xuống 2.761,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 38,85 điểm (+0,48%), lên 8.192,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu vẫn nghỉ lễ Phục sinh.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông vẫn nghỉ lễ Phục sinh như chứng khoán châu Âu, thì các thị trường còn lại đều quay đầu giảm, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm khá sâu do lo ngại các doanh nghiệp sẽ có mùa kết quả kinh doanh thất vọng vì ảnh hưởng bởi Covid-19.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 455,10 điểm (-2,33%), xuống 19.043.40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,58 điểm (-0,49%), xuống 2.783,05 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 34,94 điểm (-1,88%), xuống 1.825,76 điểm.

Giá vàng lình xình trong phiên châu Á và châu Âu khi các thị trường chính chủ yếu nghỉ giao dịch, nhưng khi bước vào phiên Mỹ, giá vàng đã lấy lại đà tăng khi giới đầu tư vẫn lo ngại trước các rủi ro về suy thoái kinh tế, dịch bệnh nên xem đây là kênh trú ẩn.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao tăng 27,3 USD (+1,62%), lên 1.685,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8,6 USD (+0,50%), lên 1.744,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8,6 USD (+0,49%), lên 1.761,4 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng giá dầu thô vẫn không đủ sức để bật dậy khi sức cầu sụt giảm mạnh.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,35 USD (-1,56%), xuống 22,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,26 USD (+0,82%), lên 31,74 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục