Trong phiên thứ Ba, sau khi duy trì đà tăng gần như suốt phiên, nhưng phố Wall chứng kiến đợt bán mạnh cuối phiên khi nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an với đại dịch Covid-19 với số người chết tại Mỹ ghi nhận mức kỷ lục trong 24h trước đó.
Đợt bán mạnh cuối phiên thứ Ba khiến giới phân tích lo lắng sẽ châm ngòi cho đợt bán tháo tiếp theo diễn ra trên phố Wall với nỗi bất an về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên thứ Tư lại hoàn toàn ngược lại.
Các con số thống kê mới cho thấy, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ đã giảm hơn so với trước đó, một số vùng dịch lớn có số ca nhiễm mới cũng giảm dần.
Tổng thống Donald Trump cho biết tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 8/4, Mỹ sắp chiến thắng virus Covid-19 và tiến gần đến thời điểm đất nước trở lại bình thường như trước đây.
Còn Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết, những nỗ lực của chính quyền trong việc cách ly xã hội đã kiểm soát sự lây lan của virus tại tiểu bang này, cũng là vùng dịch lớn nhất Mỹ.
Những thông tin trên khiến giới đầu tư kỳ vọng vào đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã bắt đầu đạt đỉnh, nên tự tin xuống tiền mua vào, giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Tư.
Ngoài ra, việc giá dầu thô tăng trở lại sau tuyên bố của ông Trump về việc các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ đã bắt đầu giảm sản lượng cũng hỗ trợ cho đà tăng mạnh của phố Wall trong phiên này.
Kết thúc phiên 8/4, chỉ số Dow Jones tăng 779,71 điểm (+3,44%), lên 23.433,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 90,57 điểm (+3,41%), lên 2.749,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 203,64 điểm (+2,58%), lên 8.090,90 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau chuỗi tăng mạnh, các chỉ số chính của thị trường này đều điều chỉnh lại trong phiên thứ Tư, một phần cũng bởi nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính EU về gói cứu trợ. Sau đó, về cuối phiên, khi phố Wall khởi sắc, thị trường chứng khoán châu Âu cũng trở lại, nhưng chỉ có chứng khoán Pháp và chỉ số chung của khu vực có được sắc xanh nhạt, chứng khoán Anh và Đức chỉ hạn chế được số điểm mất mát.
Kết thúc phiên 8/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 26,72 điểm (-0,47%), xuống 5.677,73 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 23,81 điểm (-0,23%), xuống 10.332,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 4,49 điểm (+0,10%), lên 4.442,75 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có sự trái chiều trong phiên thứ Tư. Trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng tốt sau khi Thủ tướng Abe công bố tình trạng khẩn cấp một số khu vực trong đó có Tokyo khiến nhóm cổ phiếu đường sắt, hàng thiết yếu tăng mạnh, thì các thi jtrwowngf khác quay đầu điều chỉnh khi số các nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đại lục bất ngờ tăng trở lại.
Kết thúc phiên 8/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 403,06 điểm (+2,13%), lên 19.353,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,39 điểm (-0,19%), xuống 2.815,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 282,92 điểm (-1,17%), xuống 23.970,37 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 16,46 điểm (-0,90%), xuống 1.807,14 điểm.
Giá vàng giao dịch lình xình trong phiên thứ Tư và đóng cửa tiếp tục giảm giá phiên thứ 2 liên tiếp, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước.
Kết thúc phiên 8/4, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD (-0,19%), xuống 1.646,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 0,6 USD (+0,04%), lên 1.665,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,6 USD (+0,04%), lên 1.684,1 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng quay đầu tăng mạnh trở lại sau 2 phiên điều chỉnh khi ông Trump cho biết, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã bắt đầu cắt giảm sản lượng, mở ra hy vọng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và OPEC.
Kết thúc phiên 8/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,46 USD (+5,82%), lên 25,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,97 USD (+2,95%), lên 32,84 USD/thùng.