Khó dự đoán sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch
Có thể thấy, do ảnh hưởng của Covid-19, trong tháng 3, hoạt động sản xuất kinh doanh của Mỹ đã bị gián đoạn, số việc làm giảm xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng do tài sản tích trữ của nhóm này rất ít. Người dân Mỹ đa phần đều sử dụng khoản vay nợ để chi tiêu, học đại học… nên nhóm này đang đứng trước nguy cơ khó khăn hơn khi thu nhập tạm ngừng, trong khi chi phí cố định vẫn phải trả.
Các kịch bản kinh tế Mỹ được các nhà kinh tế kỳ vọng sự hồi phục theo hình chữ “V”, Chữ “U”, Chữ “L” hay theo biểu tượng “Nike”.
"Tôi nghĩ rằng, hồi phục theo chữ V là có khả năng xảy ra, nhưng tôi lo lắng rằng kết quả sẽ có phần tồi tệ hơn và nó thực sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại trong suốt thời gian nền kinh tế bị đóng băng như hiện tại", Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen trả lời phỏng vấn CNBC hôm thứ Hai (6/4).
Theo giới phân tích, nếu việc nới lỏng xã hội được thực hiện sau khi dần kiểm soát được dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dần hồi phục lại. Mặc dù vậy, để đo lường và dự báo sự hồi phục như thế nào và bao lâu, cũng như giải quyết hết hậu quả mà Covid-19 để lại để hoạt động sản xuất - kinh doanh quay trở trước khi có dịch là một khó khăn vì không có thước đo nào để kỳ vọng và còn phụ thuộc vào sự tự tin trong xã hội. Chính vì vậy, việc dự báo thậm chí còn khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên, có một số bộ phận trong nền kinh tế có thể dễ dự đoán về sự tổn thương như ngành công nghiệp tàu biển, bán lẻ truyền thống và những doanh nghiệp nhỏ khó hồi phục nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại PNC Financial cho biết, dịch bệnh càng kéo dài tại Mỹ, thiệt hại sẽ càng lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự phục hồi sẽ yếu đi. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và ít có khả năng hoạt động trở lại.
Ông kỳ vọng rằng, sau khi chịu ảnh hưởng tiêu cực trong quý II, nền kinh tế Mỹ sẽ ổn định trong quý III và sau đó kết thúc năm với mức tăng trưởng mạnh.
Chứng khoán có cách hồi phục riêng
Cả các nhà đầu tư và định chế tài chính đều có khẩu vị rủi ro cao trong suốt giai đoạn thị trường chứng khoán hồi phục, đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập một kỷ lục dài nhất trước khi dừng lại trong tháng 3 vừa qua.
Suy thoái có vẻ khá khó khăn khi giá trị thương vụ M&A giảm 50% trên toàn cầu và 19% ở Bắc Mỹ. Giữ cho thị trường tài chính ổn định chính là mục tiêu trọng tâm của Fed và thành công của việc này có thể giúp cho mức độ hồi phục của thị trường được nhanh chóng hơn.
Theo giám đốc điều hành của Tổ chức Patriarch, một công ty cổ phần tư nhân trong lĩnh vực kỹ thuật số có trụ sở tại Los Angeles cho rằng, ngành công nghiệp kỹ thuật số và có lẽ cả nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn do sự gia tăng nợ lớn, khó xử lý trong thời gian tới.
Mặc dù nợ đã tạo ra khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng nợ dường như không phải là vấn đề trong thời kỳ kinh tế mở rộng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trái phiếu doanh nghiệp và nợ cá nhân vẫn có dấu hiệu tăng lên, trong khi khả năng thanh toán nợ từ thu nhập của người đi vay đang ở mức thấp nhất mọi thời đại vào năm ngoái. Điều này càng khó khăn hơn nữa dưới tác động của COVID-19.
Hiện tại, những lo lắng đang bắt đầu phát sinh do rủi ro vỡ nợ và phá sản khi các công ty phải đối mặt với mức độ đòn bẩy quá cao và doanh thu, thu nhập cá nhân đang có dấu hiệu giảm khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thu hẹp.
Trong khi đó, khoản nợ của Chính phủ Mỹ đang chồng chất với tốc độ tăng chóng mặt do hàng nghìn tỷ USD cần thiết để giải cứu doanh nghiệp và người dân. Nợ công của Mỹ đã tăng 319 tỷ USD chỉ trong 6 ngày làm việc vừa qua, nâng tổng số nợ lên tới 23.800 tỷ USD.
Goldman Sachs ước tính thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ là 3.600 tỷ USD trong năm nay và 2.400 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng sẽ bằng 17,7% và 11,2% GDP trong hai năm.
Ông Jeff Klingelhofer, đồng giám đốc đầu tư của Thornburg Investment Management cho biết, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ có thể mất đà nếu nợ quay trở lại thành vấn đề lâu dài với nền kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ sẽ không trở lại 100% khi Covid-19 được giải quyết. Trên hết, các quyết định kinh doanh sẽ phải được xem xét trước khả năng dịch tác động và cũng như nó có thể quay trở lại lần nữa.
Tất cả hoạt động của doanh nghiệp sẽ phải được đưa ra quyết định trong điều kiện mọi thứ là không chắc chắn, cũng như có khả năng phải rút lui khỏi ngành. Điều mà doanh nghiệp chưa lường trước trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nhìn vào thị trường chứng khoán sẽ thấy một triển vọng tốt hơn.
Phố Wall vẫn có cách để bù đắp cho tất cả các thiệt hại trong tháng 3. Phiên giao dịch bùng nổ ngày thứ Hai (6/4) của phố Wall cho thấy giới đầu tư kỳ vọng các gói kích thích kinh tế, cùng với việc dịch Covid-19 sớm được kiểm soát sẽ giúp kinh tế Mỹ sớm tăng trưởng lại sau khoảng thời gian ngắt quãng phần lớn các hoạt động kinh tế do ảnh hưởng từ Covid-19.
"Tôi có chút hoài nghi về sự phục hồi theo hình chữ V. Tất cả mọi người không thể đột ngột quay lại làm việc trong tháng 5. Thay vào đó, cần một quá trình chậm hơn để tái khởi động lại nền kinh tế. Dù vậy, thị trường chứng khoán hiện tại vẫn đang có một chút lạc quan về triển vọng hồi phục". chuyên gia đầu tư tại Ally Invest nhận định.