SMBC Nikko Securities mới đây thông báo bán ra toàn bộ 8.916.300 cổ phiếu PSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, tương ứng tỷ lệ 14,9% vốn. Giao dịch được thực hiện trong phiên 6/10/2023.
Sau giao dịch, SMBC Nikko Securities Inc chính thức không còn là cổ đông tại Chứng khoán Dầu khí. Cùng phiên giao dịch của tổ chức này, cổ phiếu PSI ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 9 triệu đơn vị, thị giá đóng cửa đạt 9.900 đồng/cổ phiếu. Ước tính, cổ đông ngoại thu về khoảng 88 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi PSI.
SMBC Nikko Securities Inc (tên cũ là Nikko Cordial) do Sumitomo Mitsui Financial Group sở hữu 100% vốn. Đầu năm 2011, SMBC Nikko Securities trở thành đối tác chiến lược nước ngoài đầu tiên của Chứng khoán Dầu khí, ký kết hợp đồng mua 14,9% cổ phần (gần 9 triệu cổ phiếu PSI) với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Hoàn tất chào bán cho đối tác chiến lược Nhật Bản, vốn điều lệ của PSI tăng lên 598 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.
Trong gần 13 năm đầu tư vào Chứng khoán PSI, SMBC Nikko Securities chưa năm nào được trả cổ tức. Ước tính, khoản đầu tư lỗ hơn 34% sau hơn một thập kỷ.
Trường hợp tổ chức nước ngoài khác lỗ nặng trong thương vụ đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp phải kể đến là nhóm quỹ Dragon Capital bỏ vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX). Trong phiên giao dịch 30/11/2022, nhóm Dragon Capital bán ra toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX đang nắm giữ. Tính theo giá đóng cửa là 9.100 đồng/cổ phiếu, nhóm Dragon Capital thu về khoảng 329,5 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Cuối năm 2017, Dragon Capital ký kết hợp đồng đầu tư và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Hải Phát Invest sau thời gian phân tích, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng doanh nghiệp, với tỷ lệ cổ phần tham gia là 15%. Được biết, giá vốn Dragon Capital đầu tư vào HPX dao động quanh 12.000 đồng/cổ phần. Như vậy, sau 5 năm, quỹ này lỗ trên 30%.
Nhìn nhận về câu chuyện đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC nhận xét, không thể phủ nhận trên thị trường luôn có những cơ hội đầu tư mang lại tỷ suất sinh lợi rất tốt cho khối ngoại lẫn khối nội, nhưng tổng thể thì có vẻ như đầu tư vào chứng khoán Việt Nam không mang lại tỷ suất sinh lợi tốt những năm qua.
Điều này được thể hiện rõ qua việc các thương vụ lớn như các giao dịch thỏa thuận VHM, VIC, VRE, MSN, NVL… hay các thương vụ thoái vốn SAB, VNM… nếu tính theo giá thị trường hiện tại, khối ngoại vẫn đang lỗ nặng.
Khi thị trường lao dốc mạnh năm 2022, hầu hết các quỹ ngoại chịu chung số phận và đánh mất rất nhiều thành quả trước đó. Nổi bật là câu chuyện của VanEck ETF - một trong những quỹ ETFs đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Theo dữ liệu mô phỏng trên website của Quỹ, nếu đầu tư 10.000 USD vào Quỹ bắt đầu từ tháng 8/2009 (khi VN-Index xấp xỉ 500 điểm), đến thời điểm hiện tại, số tiền bạn nhận được chỉ còn gần 6.000 USD.
Nhìn vào chỉ số VN-Index, 1.200 điểm là ngưỡng ám ảnh thị trường suốt bao năm, kể từ lần đầu tiên tiệm cận vào năm 2007. Đến năm 2018, một lần nữa thị trường thất bại ở ngưỡng tâm lý này. Mãi đến năm 2021, khi làn sóng nhà đầu tư mới (F0) ồ ạt tham gia thị trường, chỉ số mới tăng thẳng một mạch lên 1.500 điểm. Tưởng chừng như ngưỡng 1.200 điểm sẽ là quá khứ, nhưng sau tất cả, thị trường hiện tại vẫn mong manh dưới ngưỡng này. Như vậy, có thể thấy, sau rất nhiều năm, mức sinh lợi trung bình của thị trường là rất kém.
Sẽ có nhiều người cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng, vì hiện tại vốn hóa và thanh khoản của thị trường đã ở một tầm cao mới. Đúng là với đỉnh năm 2007 thì khập khiễng, nhưng so với diễn biến gần đây thì không hẳn. Hiện tại, vốn hóa của sàn HOSE đạt khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, chỉ tăng trưởng khoảng chưa đến 30% so với đỉnh năm 2018, mặc dù trong thời gian từ đỉnh 2018 đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết hoặc chuyển sàn.
Mức tăng trưởng vốn hóa này không phải là điều gì đó quá đặc biệt và ở các thị trường phát triển, tiêu biểu là Mỹ, cũng chứng kiến mức tăng trưởng vốn hóa thậm chí lớn hơn trong cùng giai đoạn. Nhưng điểm khác biệt là các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu đã chinh phục những đỉnh cao mới và có tỷ suất sinh lợi rất tốt.
Có vẻ như thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, hoặc xa hơn là thập kỷ vừa qua, chủ yếu gia tăng vốn hóa bằng việc chúng ta có thêm những thành tố mới lên sàn, còn lại hiệu suất của những thành tố cũ đa phần đều rất kém.
Gần đây, thị trường thiếu vắng các thương vụ đầu tư chiến lược, mua cổ phần tỷ lệ lớn từ các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, ngoài thương vụ 36.000 tỷ đồng giữa VPBank và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Vốn ngoại từ các quỹ đóng có xu hướng chuyển dịch qua các quỹ ETF. Tổng tài sản của các quỹ ETF tại Việt Nam ước tính khoảng hơn 3 tỷ USD. Trong đó, trong vòng 1 năm trở lại đây, tổng dòng vốn chạy vào các quỹ ETF lên đến khoảng 1,15 tỷ USD.
Các quỹ ETF đa phần là giao dịch khớp lệnh và được nắm giữ chủ yếu bởi khối ngoại, đặc biệt các quỹ ETF ra quyết định mua bán không dựa trên nền tảng doanh nghiệp mà dựa vào việc mô phỏng các chỉ số.
Dòng tiền vào/ra các ETF này chủ yếu dựa trên kỳ vọng/đặt cược vào việc chỉ số được mô phỏng sẽ tăng/giảm thế nào. Do đó, có thể thấy, dòng vốn ngoại trên thị trường Việt Nam cũng trở nên đầu cơ và khó đoán hơn, giao dịch của khối ngoại ít phụ thuộc vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội VinaCapital
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF).
Theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD. Có thể thể đến một số quỹ đầu tư lớn như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (71 tỷ USD), iShares Core MSCI Emerging Markets ETF (69 tỷ USD), iShares MSCI Emerging Markets ETF (19 tỷ USD).
Việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, có tính ổn định cao vào thị trường.
Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng lớn của phương Tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở trong nhóm cận biên, trong khi Ấn Độ và Indonesia đã ở trong nhóm mới nổi là điều bất lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn rất lớn này.