Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, các chuyên gia hàng đầu tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… đã có chia sẻ với cộng đồng nhà đầu tư về cách thức lựa chọn cổ phiếu, nhất là khi thị trường đã có sự tăng trưởng tích cực như thời gian qua.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital chia sẻ, từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 23%, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn giảm khoảng 10%. Các dự báo cho thấy, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng. Trong khi đó, PE thị trường đang ở mức 15-16 lần, tiệm cận PE trung bình nhiều năm qua. Điều này tạo nên rủi ro nhất định với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
“Nhà đầu tư mới tham gia thị trường đầu tư theo dòng tiền nóng, các cổ phiếu tăng mạnh nhưng không có cơ bản tốt thì rất rủi ro. Với các quỹ đầu tư, chúng tôi có góc nhìn tìm kiếm cơ hội ở 2 khía cạnh: Định giá của cổ phiếu và hoạt động của doanh nghiệp. Hiện tại, phải xem định giá cổ phiếu đang đắt hay rẻ và doanh nghiệp có triển vọng phục hồi như thế nào về cuối năm?”, bà Phương cho biết.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital |
Về định giá, nếu loại bỏ nhóm ngân hàng thì PE đang 21 lần, tương đương thời điểm quý I/2018 và quý II/2021 - thời điểm thị trường nóng do dòng tiền mới đổ mạnh vào thị trường. Một cách nhìn khác là nếu dòng tiền đổ nhiều vào penny, nhóm vốn hoá vừa và nhỏ thì cũng khiến thị trường lệch lạc.
Nhà đầu tư cần chú ý tới việc thị trường luôn định giá lại các cổ phiếu. Chẳng hạn, năm 2018, FPT định giá giá chỉ 9-10 lần, nhưng năm 2020 khi dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vào, lợi nhuận tăng trưởng ổn định thì đã lên 15-18 lần. Trong khi đó, định giá của nhóm ngân hàng và bất động sản đi theo hướng ngược lại và giờ đang được xem là rẻ. Nhà đầu tư cần nhìn vào các yếu tố này.
"Về phục hồi của doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng chưa thể chắc chắn, nhưng theo tôi, trong quá trình phục hồi sẽ có sự phân hoá rõ nét. Chẳng hạn, khối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã có sự hồi phục khi đơn hàng có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua đã phải cắt giảm lao động, đóng cửa một số bộ phận.., vậy khả năng thực hiện đơn hàng mới như thế nào? Chính điều này tạo nên sự phân hoá và khả năng tăng trưởng khác nhau", bà Phương cho biết.