Nỗi ám ảnh trên đường thiên lý

Nếu 15 năm trước đây, hành khách đi ô tô có ghế ngồi, xe máy lạnh, cộng thêm khăn lạnh, nước uống đóng chai đã được coi là “tiêu chuẩn châu Âu”, thì hiện nay, đó là các tiêu chuẩn được áp dụng đại trà.
Tai nạn xe khách giường nằm gia tăng đang là mối lo ngại cho hành khách sử dụng phương tiện này Tai nạn xe khách giường nằm gia tăng đang là mối lo ngại cho hành khách sử dụng phương tiện này

Lợi thế của “máy bay” mặt đất

Nếu là một hành khách đi tìm xe, thì đều nhận được những lời quảng cáo như vậy từ tất cả các anh chàng lái xe khách giường nằm tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, những giới thiệu trên tờ rơi, hoặc các website còn nhấn mạnh: “Nội thất sang trọng bằng da, tivi LCD, nước uống, khăn mặt dùng theo nhu cầu”!

Ngày thường thì không nói, nhưng vào dịp lễ, Tết, khi vé tàu hỏa hiếm như mỳ chính thời bao cấp, còn vé máy bay lại đắt quá sức chịu đựng của giới viên chức, sinh viên, công nhân…, thì việc đi xe khách giường nằm đường dài là một lựa chọn không tồi.

Chẳng hạn, với tuyến Hà Nội - Quảng Bình, hiện có khoảng 9 hãng vận tải đang khai thác với tần suất xuất bến 60 phút/chuyến. Hành khách có rất nhiều lựa chọn về hãng vận tải, giờ xuất bến và đặc biệt, sự linh động của các nhà xe về lựa chọn điểm trả khách đã làm giảm hẳn những chi phí phát sinh…

Còn về chi phí, không cần phải so sánh với phương tiện xa xỉ là máy bay, ngay cả so với tàu hỏa, xe khách giường nằm vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Đơn cử, vé xe giường nằm chỉ trên dưới 250.000 đồng/tuyến Hà Nội - Quảng Bình, trong khi vé tàu ngồi cứng không điều hòa có giá 276.000 đồng. Còn nếu muốn “tiêu chuẩn tương đương máy bay mặt đất”, tức là nằm giường tầng 1, có điều hòa, hành khách phải bỏ ra 600.000 đồng, tức là gấp 2,5 lần chi phí đi xe khách giường nằm.

Với những lợi thế về giá cước, điểm trả khách, cũng như tần suất xuất bến, nên số hành khách lựa chọn phương tiện xe khách giường nằm gia tăng, khiến các hãng vận tải hầu như đồng loạt đầu tư loại phương tiện này để khai thác các tuyến đường dài.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (C67), tính đến tháng 1/2014, cả nước có 65.294 phương tiện vận tải hành khách từ 29 chỗ trở lên; trong đó, xe khách giường nằm có 1.612 phương tiện. Cơ quan này dự báo, trong thời gian tới, xe khách giường nằm sẽ còn tăng mạnh.

Sang… nhưng mà sợ!

Tôi đã từng ngồi thử trên một chuyến xe đêm chạy từ Hà Tĩnh về Hà Nội. Đó là lần đầu tiên tôi đi loại xe này, nên cũng hơi tò mò, nhưng phải nói cảm giác e ngại về sự nhếch nhác hoàn toàn tan biến khi lên xe. Thứ đầu tiên nhận được khi tất cả hành khách lên xe là chiếc túi ny lon để cất giày, dép vì tất cả đều phải đi chân không khi lên xe. Đèn đóm, rèm cửa, giường nằm… nói chung không được như Boeing 777, hay Airbus 320, nhưng nhìn chung là ở mức rất khả quan so với tưởng tượng ban đầu.

Chỉ với 170.000 đồng cho hành trình 350 km, có lẽ là sự lựa chọn chính xác với những viên chức nghèo như tôi.

Nếu chưa đi thì không biết, nhưng dù chỉ đi một lần, cảm giác nằm ở tầng trên của xe khách giường nằm là hơi lo lắng. Lo lắng cũng phải, bởi những mẩu tin tai nạn xe khách giường nằm nhan nhản trên các báo hàng ngày. Chỉ cần lấy cụm từ “tai nạn xe khách giường nằm” để search trên Internet có thể thấy hàng trăm tin bài: “Xe khách giường nằm đâm sập nhà dân”; “Xe khách giường nằm bốc cháy, hơn 40 hành khách thoát nạn”; “Liên tiếp các vụ tai nạn xe khách giường nằm”; “Mổ xẻ xe khách giường nằm liên tục đâm kinh hoàng”… Nói tóm lại, cụm từ “tai nạn” đã được gắn một cách ngẫu nhiên vào cụm từ “xe khách giường nằm”.

Vậy thực tế, ý kiến của giới chuyên môn như thế nào về sự an toàn của xe giường nằm?

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, lực lượng thanh tra và các cơ quan chức năng của Tổng cục chỉ đào tạo lái xe, giám sát xe chạy quá tải trên các tuyến, còn việc công nhận phương tiện đảm bảo chất lượng tham gia giao thông, thì thuộc chức năng của cơ quan đăng kiểm.

Tìm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), được biết, trong 11 tháng năm 2013, chỉ có 19 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe khách giường nằm. Kết hợp với phân tích của C67, có thể thấy rằng, với tỷ lệ 21% số vụ tai nạn giao thông do các lái xe ô tô gây ra, thì số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách giường nằm chiếm tỷ lệ rất thấp.

Cần nói thêm, trong Công văn 2000/ĐKVN-VAR Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 9/9/2013 để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, cũng đã nêu rõ: “Khả năng chống lật ngang khi đi trên đường được thể hiện qua thông số góc ổn định ngang và đã kiểm tra bằng phương pháp tính toán theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2011/BGTVT. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn kiểm tra thực tế tại Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới và tất cả các tiêu chuẩn của xe khách hai tầng đều đạt yêu cầu”.

Câu hỏi còn lại

Như thế có thể thấy, với các yếu tố kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đáng lý ra, xe khách giường nằm không phải nhận sự hắt hủi bấy nay, tuy nhiên, những tai nạn xảy ra là có thật và cùng với đó là nỗi lo có thật của những người vẫn luôn phải bươn trải trên những dặm đường thiên lý.

Đường có cơ quan chuyên trách quản lý, chất lượng xe có cơ quan được đầu tư không ít tiền của để theo dõi, chất lượng người lái cũng vậy. Luật lệ thì đương nhiên là đầy đủ và cũng được thực hiện nghiêm túc. Duy chỉ có câu hỏi: “Đi xe khách giường nằm hai tầng có đảm bảo an toàn hay không?”, thì hành khách vẫn khắc khoải đợi tìm ra được… ai có trách nhiệm đưa ra câu trả lời!

Huyền Thi(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục