Nợ xấu chưa đạt đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ xấu của ngành ngân hàng tăng trước bối cảnh kinh tế có khó khăn, song các nhà băng kỳ vọng với tín hiệu tích cực từ thị trường, tín dụng dần cải thiện, nợ xấu sẽ được kiểm soát tốt vào cuối năm.
Với các chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực xử lý của các ngân hàng, nợ xấu được kỳ vọng sẽ ổn định vào cuối năm Với các chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực xử lý của các ngân hàng, nợ xấu được kỳ vọng sẽ ổn định vào cuối năm

Nợ nhóm 5 tăng chậm

Từ đầu năm 2023, nợ xấu trong xu hướng tăng do sự trầm lắng của thị trường bất động sản cùng khả năng tài chính của doanh nghiệp và người vay yếu đi trong môi trường lãi suất cao, nhưng có sự kiểm soát và phân hóa giữa các nhà băng.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng cho thấy, tổng quy mô nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán và Agribank tại thời điểm 30/6/2023 đạt 91.275 tỷ đồng, tăng 1.713 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương tăng 1,9%. Nhìn chung, dù có xu hướng tăng, song điểm tích cực là tỷ trọng nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ của các ngân hàng đã giảm từ mức 0,9% hồi đầu năm xuống mức 0,86%.

Đứng đầu về quy mô nợ có khả năng mất vốn là Agribank với 18.464 tỷ đồng, dù đã giảm 536 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 chiếm 1,26% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Agribank, mức tỷ trọng cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) và cao hơn khá nhiều so với mức bình quân ngành.

Kế đến là BIDV có 12.963 tỷ đồng nợ nhóm 5 tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng hơn 10% so với hồi đầu năm. Tốc độ tăng của nợ có khả năng mất vốn nhanh hơn quy mô tổng dư nợ đã kéo tỷ trọng nhóm nợ này trong tổng dư nợ BIDV tăng từ 0,77% lên 0,8%.

Việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng “làm mềm” xu hướng tăng của nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.

Kế đến trong tốp 10 ngân hàng có nợ nhóm 5 cao nhất là SHB (5.746 tỷ đồng), VietinBank (5.410 tỷ đồng), VPBank (4.990 tỷ đồng), Vietcombank (4.432 tỷ đồng), Sacombank (3.938 tỷ đồng), ACB (2.830 tỷ đồng), LPBank (2.438 tỷ đồng)…

Ngược lại, một số ngân hàng có ít nợ nhóm 5 nhất là Saigonbank (280 tỷ đồng), BAC A BANK (428 tỷ đồng), Kienlongbank (517 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây đều là những ngân hàng có quy mô dư nợ cho vay nhỏ nhất hệ thống tính đến cuối tháng 6/2023.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trên sàn chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Việc tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất cao chỉ mới bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023. Nợ xấu của các ngân hàng trên sàn đều tăng, còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại suy giảm trong một năm trở lại đây (từ 143% về 99,4%).

Diễn biến chất lượng tài sản trong hai quý đầu năm sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024. Theo đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể trong 2 quý cuối năm nay do nợ xấu trong xu hướng tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và các rủi ro liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn này.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng “làm mềm” xu hướng tăng của nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.

Dẫu vậy, tổng quy mô nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023 trên tổng dư nợ sẽ thấp hơn so với quy mô trong đại dịch Covid-19. Với việc nợ xấu hình thành vẫn ở mức cao trong quý II/2023 do đà tăng mạnh của nợ nhóm 2, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III trước khi giảm dần trong quý IV và những quý tiếp theo khi “sức khỏe” nền kinh tế phục hồi.

Chất lượng tài sản sẽ cải thiện

Với dự báo tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có chuyển biến trong quý cuối năm 2023, giới phân tích cho rằng, khả năng nợ xấu toàn ngành trong quý III sẽ tương đương quý II và bắt đầu giảm dần từ quý IV. Cùng với sự hỗ trợ của chính sách, cụ thể là Thông tư 02/2023, việc nhảy nhóm nợ sẽ được hoãn đến hết nửa đầu năm 2024 để các ngân hàng cùng người vay có thời gian xử lý.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 được dự báo ở mức 12-14% khi lãi suất cho vay tăng mạnh từ cuối năm 2022 và chỉ mới được điều chỉnh giảm vào cuối quý II/2023 trên nền tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi các rủi ro liên quan đến trái phiếu địa ốc cùng bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn hiện hữu, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn phải luôn chú ý giữ ổn định vĩ mô (lạm phát và tỷ giá).

Đánh giá về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, theo các chuyên gia VDSC, sự hình thành nợ xấu ghi nhận sự chậm lại trong quý III so với quý II. Áp lực nợ xấu hình thành sẽ được xoa dịu phần nào dựa vào các hỗ trợ chính sách.

Hiện tại, Vietcombank và ACB là 2 ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống nhờ cách tiếp cận cho vay thận trọng. Chẳng hạn, tại ACB, nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 của ngân hàng này đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ. Hiện ACB đã trích lập dự phòng 50%. Đồng thời, phần lớn tài sản thế chấp tại ACB là bất động sản ở khu vực dân cư đông đúc nên thanh khoản được đánh giá cao, nhất là khi thị trường bất động sản hồi phục. Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho biết, với sự hỗ trợ của chính sách cùng nỗ lực xử lý nợ của từng ngân hàng, khả năng nợ xấu sẽ ổn định trong quý IV/2023 và giảm dần từ đầu năm 2024.

Đại diện Sacombank cho biết, chất lượng tài sản của ngân hàng này cải thiện rõ nét với tài sản có sinh lời tăng 9,4% và chiếm tỷ trọng 91% trong tổng tài sản; hiệu suất sinh lời cũng tăng đáng kể, các chỉ tiêu ROA và ROE đến cuối tháng 8/2023 lần lượt đạt 1,21% và 18,13%, tăng tương ứng 0,3% và 4,3% so cùng kỳ năm trước. Năm 2023 là năm thứ 7 Sacombank thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã được phê duyệt. Ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng khi xử lý thành công 21.576 tỷ đồng lãi dự thu vào năm ngoái.

Theo đó, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu với số thu gần 2.700 tỷ đồng, nâng tổng số thu hồi xử lý lũy kế kể từ khi triển khai đề án tái cơ cấu lên 90.600 tỷ đồng. Đồng thời, tính đến ngày 31/8/2023, Sacombank đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định đối với tất cả các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, bao gồm cả trái phiếu VAMC, lũy kế từ khi triển khai đề án trích lập và phân bổ gần 35.600 tỷ đồng. Với diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, Sacombank có thể hoàn tất đề án tái cơ cấu trước thời hạn. Hội đồng quản trị Sacombank cũng đã “hứa” với cổ đông quyết liệt hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay.

Tại OCB, ông Bùi Thành Trung - Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư cho hay, nợ xấu tăng là tình hình chung của toàn hệ thống ngân hàng bởi những biến động vĩ mô khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Trung, công tác này đang OCB được kiểm soát tốt và nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý.

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác quản trị nợ, xem xét và đưa ra các cảnh báo từ rất sớm nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn thành nợ quá hạn, nợ xấu mới, tập trung nguồn lực để xử lý những tồn đọng cũ”, ông Trung nói và cho biết thêm, đối với khách hàng doanh nghiệp, công tác tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023 đã và đang được OCB triển khai nhằm hỗ trợ cho những khách hàng khó khăn nhưng đủ điều kiện cơ cấu lại nợ. Về cơ bản, nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, ngân hàng sẽ hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng một cách kịp thời nhất. Với các khách hàng cá nhân, OCB cũng thực hiện tái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 2/2023 ước tính khoảng 5% tổng dư nợ. Những con số này gần như đưa ngành ngân hàng trở lại mốc tỷ lệ nợ xấu của giai đoạn 2017-2018 khi Nghị quyết 42/20217/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu được ban hành và có hiệu lực.

Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết 42/2017 được đánh giá tích cực, người vay có ý thức trả nợ hơn, việc thu hồi tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ chính thức hết hiệu lực gia hạn từ ngày 31/12/2023. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nhằm “luật hóa” Nghị quyết 42/2017, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý khi nghị quyết này hết hiệu lực.

Nợ xấu kỳ vọng đạt đỉnh vào cuối 2023 - đầu 2024

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Nợ xấu có dấu hiệu tăng từ cuối năm 2022 và sẽ tăng cao trong năm nay. Vấn đề là các ngân hàng có chuyển nhóm nợ theo quy định hay không, lý do bởi ngay cả khi nợ xấu được tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023, nhưng không phải khách hàng nào cũng đáp ứng điều kiện để được tái cơ cấu, nên nợ xấu gia tăng dần từ nay đến cuối năm 2023, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện dần kể từ đầu năm 2024 và điều này sẽ tác động lên kết quả hoạt động của ngân hàng.

Thực tế cũng cho thấy, nợ xấu chưa đạt đỉnh do vẫn còn tăng. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô nói chung sẽ phục hồi dần nhưng chưa thực sự khả quan. Dẫu vậy, với các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm lãi suất cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ phần nào giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới. Do đó, kỳ vọng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Cần một nền tảng pháp lý xử lý nợ xấu cao hơn trước khi Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Nợ xấu là vấn đề đáng chú ý trong năm nay khi tình hình kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu và quá trình xử lý tài sản chậm lại trước bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm. Việc giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính tạm thời, vì thực tế lãi suất đã giảm nhưng vẫn khó kích cầu vốn tăng cao. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục các đứt gẫy. Khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất cũng sẽ duy trì mức thấp, doanh nghiệp hồi phục, tái khởi động sản xuất - kinh doanh... thì nợ xấu sẽ giảm.

Trước đây, khi thị trường khó khăn, nợ xấu tăng, nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội kịp thời ban hành, các ngân hàng được bán nợ cho VAMC để tạm thời “làm sạch” bảng cân đối kế toán. Thực tế, Nghị quyết 42/2017 đã cho thấy sự hiệu quả, nhưng về tính pháp lý là chưa đủ, cần luật hóa để trở thành một bộ phận trong các quy định về hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017 sắp hết hiệu lực thi hành (cuối tháng 12/2023), cần có một nền tảng pháp lý cao hơn trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, muốn giải quyết vấn đề nợ xấu ở thời điểm hiện tại, trước tiên cần có giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế, không chỉ từ 3 lĩnh vực gần gũi và có ảnh hưởng lớn tới ngành ngân hàng là chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, mà còn là sự ổn định của xuất nhập khẩu và sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Tích cực triển khai các biện pháp quản lý và hạn chế nợ xấu

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

Nợ xấu toàn ngành ngân hàng nói chung và ABBank nói riêng có xu hướng tăng nhanh trong khoảng cuối năm 2022 - đầu năm 2023. Trước tình hình này, ABBank buộc phải thận trọng với các quyết định cho vay, nhưng không vì thế mà thắt chặt nguồn tín dụng.

Thay vào đó, ABBank tích cực triển khai các biện pháp quản lý và hạn chế nợ xấu như tăng cường công tác cảnh báo nợ sớm, nhắc nợ sớm, nhắc nợ đến hạn, nhắc nợ quá hạn, xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ cho khách hàng theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN, thực hiện bán nợ xấu cho VAMC và có sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro… Nhờ đó, nợ xấu của ABBank giảm dần từ quý III/2023.

Trong thời gian tới, ABBank sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ổn định dưới mức 3%, đáp ứng yêu cầu kinh doanh cũng như tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm cuối tháng 7/2023, ABBank đã cơ cấu nợ cho gần 200 khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023 với dư nợ được cơ cấu hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay

TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức cầu giảm… đã tác động lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến “sức khỏe” của doanh nghiệp yếu đi và không khó nhận ra điều này khi nhìn vào số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong nửa đầu năm 2023. Đơn hàng của doanh nghiệp giảm khi thị trường trong nước và cả quốc tế bị thu hẹp do cầu tiêu dùng yếu. Do đó, các doanh nghiệp tốt không biết vay tiền để làm gì khi mà sản xuất - kinh doanh co lại, cho dù lãi vay đã giảm, còn doanh nghiệp yếu thì ngân hàng không dám cho vay do e ngại rủi ro nợ xấu.

Thực tế, nợ xấu ngành ngân hàng tiếp tục tăng lên trong nửa đầu năm 2023 khi nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ, cho dù các nhà băng được tái cơ cấu, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Vì thế, dù tín dụng tăng chậm, nhưng ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, bởi vốn cho vay ra nền kinh tế là ngân hàng huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, nếu không kiểm soát được rủi ro nợ xấu tăng, buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và khi đó sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục