Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, hướng đến cột mốc năm 2030”, diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Thủ tướng nêu rõ, trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.
“Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc”, Phó Thủ tướng nói.
Với những thành tựu kinh tế lớn trong thời gian qua, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 7% trở lên trong năm 2020 và giai đoạn tới, với chất lượng tăng trưởng tốt hơn thông qua nhiều hoạt động phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
17 mục tiêu phát triển bền vững này kế thừa việc thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và bao hàm thêm nhiều lĩnh vực mới, như biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, tiêu dùng bền vững, hòa bình và công bằng.
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm độ bao phủ bảo hiểm y tế (86,4% năm 2017), phổ cập tiểu học (99%), sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 (26,7%), tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận nước sạch (93,4% năm 2016) và tiếp cận điện (hơn 99% hộ gia đình vào năm 2016).
Ngoài ra, Việt Nam hiện có 62 triệu dân sử dụng Internet và mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% năm 2015; 6,2% năm 2016; 6,8% năm 2017; 7,08% năm 2018.
Nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành một số chính sách. Chẳng hạn, vào tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về phát triển bền vững, nhấn mạnh rằng: “Phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước”.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã đạt những thành tích phát triển đáng ghi nhận trong 30 năm qua. Đổi mới kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng cao, qua đó nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
“Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ nghèo cùng cực dự kiến giảm xuống dưới 3%”, WB đánh giá.
Tháng 7/2019, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức đã công bố báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo đưa ra chỉ số đánh giá kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của 162 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên thang điểm từ 0 (kém nhất) đến 100 điểm (tốt nhất) và xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Theo bảng xếp hạng, các chỉ số xếp hạng cao của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo (95 điểm), giáo dục (91 điểm), tiếp cận năng lượng (82 điểm), mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững (87 điểm), chống biến đổi khí hậu (94 điểm). Các chỉ số xếp hạng thấp là cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững đại dương, quản lý hệ sinh thái tài nguyên rừng.
Về tổng thể, Việt Nam đạt 71,1 điểm (trong tổng thang điểm cao nhất là 100), cao hơn nhiều so với mức trung bình 65,7 điểm tại Đông và Nam Á. Tại Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan (73 điểm).
Cũng nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững, vào tháng 3/2019, Tổng cục Thống kê phối hợp với Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh Hợp tác Phát triển Đức đã công bố Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. Việc ban hành thông tư này giúp Việt Nam tiến một bước gần hơn đến việc xác định cơ chế giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ chỉ tiêu gồm 158 chỉ tiêu với mục tiêu cốt lõi: “Không để ai lại phía sau”. Trong số 158 chỉ tiêu cụ thể, Tổng cục Thống kê thực hiện 62 chỉ tiêu, còn lại là các chỉ tiêu được giao cho 22 bộ,
ngành có liên quan thực hiện. Bộ chỉ tiêu gồm danh mục chỉ tiêu và nội dung chỉ tiêu, với 140 chỉ tiêu có lộ trình A triển khai ngay từ năm 2019 và 18 chỉ tiêu có lộ trình B bắt đầu từ năm 2025.
Bộ chỉ tiêu quy định: 55 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em, 48 chỉ tiêu liên quan đến dân số và phát triển, 13 chỉ tiêu liên quan đến lao động, 70 chỉ tiêu liên quan đến giới, 19 chỉ tiêu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, cùng nhiều chỉ tiêu liên quan đến người khuyết tật.
Vật liệu không nung trong tổng thể phát triển kinh tế bền vững
Nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia, phát triển vật liệu xanh, vật liệu bền vững, trong đó có vật liệu không nung là chương trình đã được Chính phủ Việt Nam đặt ra từ rất sớm.
Tại Việt Nam, đô thị hóa nhanh chóng và dân số ngày càng tăng đòi hỏi một ngành xây dựng và vật liệu xây dựng bền vững, đáp ứng mức sống ngày càng cao trong khi vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường. Ngành xây dựng rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bởi nó chiếm từ 5 đến 15% GDP và cung cấp 5 đến 10% việc làm.
Tuy nhiên, sự phát triển ngành xây dựng truyền thống chiếm khoảng một phần ba năng lượng sử dụng cuối cùng trên toàn cầu, phát thải khoảng 35 đến 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và chịu trách nhiệm cho việc sử dụng hơn một phần ba nguyên vật liệu toàn cầu. Những tác động tiêu cực này đang trở nên rõ ràng hơn ở các nước đang phát triển, nơi mà đô thị hóa và lượng công trình dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngành xây dựng cần phải chuyển sang các hướng phát triển mới. Ở cấp độ toàn cầu, khí thải nhà kính từ việc sử dụng vật liệu xây dựng chiếm 28% tổng lượng khí thải CO2 từ ngành xây dựng.
Việc sản xuất xi măng, thép, nhôm, thủy tinh và vật liệu cách nhiệt là những ngành chính tạo phát thải CO2. Tại Việt Nam, riêng ngành xi măng chiếm khoảng 16% lượng khí thải nhà kính quốc gia và khoảng 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng của tất cả các ngành công nghiệp.
Đã có nhiều phát triển tích cực đối với những thực tiễn đổi mới trong việc phát triển vật liệu xây dựng bền vững, chẳng hạn như trong tái chế và tái sử dụng vật liệu.
Ví dụ, các thành phần bê tông và phụ phẩm tro từ các nhà máy điện than được sử dụng để sản xuất gạch không nung hoặc nghiền làm vật liệu xây dựng.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng, sự hiểu biết và áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn cũng sẽ rất quan trọng để thúc đẩy vật liệu xây dựng bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc áp dụng khung chính sách và quy định chính, như: Nghị định 24A về quản lý vật liệu xây dựng, khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường; Kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính trong ngành xi măng, đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính lần lượt là 20 triệu tCO2 và 164 triệu tCO2 vào năm 2020 và 2030;
Chương trình quốc gia về phát triển vật liệu xây không nung, với mục tiêu 30-40% hoặc vật liệu xây dựng không nung vào năm 2020, và Quy chuẩn hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, quy định các yêu cầu về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng.
Với sự hỗ trợ của các đối tác lớn như UNDP, sự vào cuộc của các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các công ty sản xuất vật liệu xây dựng và công ty xây dựng… đã có
những bước chuyển lớn về hiểu biết cũng như tính sẵn sàn sử dụng các sản phẩm không nung, thân thiện với môi trường.
Những hành động của các tổ chức có trách nhiệm đang đóng góp quan trọng cho cam kết của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu trong các đóng góp quốc gia tự định và Kế hoạch hành động quốc gia cho các mục tiêu phát triển bền vững.