“Thượng đế” vẫn ngó lơ
Từ nhiều năm nay, phát triển vật liệu xây dựng không nung là một chủ trương của Chính phủ nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường, tuy nhiên kết quả từ Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến nay vẫn rất khiêm tốn.
Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo đúng lộ trình.
Để thay thế cho gạch đỏ, hiện nay, việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung đã được quy định trong nhiều chính sách như: Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg; Quyết định 1469/QĐ-TTg Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Chỉ thị số 10/CT-TTg tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung…
Đặc biệt, với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng mức phát thải khí nhà kính hàng năm bằng việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, giai đoạn 2014 - 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng đã thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và các nguồn đồng tài trợ khác.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mang tính đại trà và chất lượng gạch không nung đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tế nên khách hàng và một số chủ dự án bất động sản vẫn chưa mặn mà với vật liệu này.
Nhiều công trình cao ốc tại TP.HCM sử dụng hầu hết gạch nung
Đơn cử như tại dự án khách sạn - căn hộ cho thuê tại địa chỉ 261 Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cao 19 tầng và hiện đã hoàn thiện xong phần thô, phần lớn vật liệu để xây dựng công trình này là gạch đỏ.
Tương tự, dự án cụm công trình cao ốc văn phòng, căn hộ kết hợp thương mại tại số 152 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình thạnh (TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 block cao 27 tầng, hiện block căn hộ đã xây dựng đến tầng 21 và đang dần hoàn thiện đến tầng 14. Tuy nhiên, vật liệu mà chủ đầu tư sử dụng để hoàn thiện phần vỏ và ngăn phòng tại dự án này là gạch đỏ, chứ không phải là gạch không nung. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 13, các công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung.
Không chỉ đối với chủ đầu tư các dự án cao tầng, mà những khách hàng có nhu cầu xây dựng cũng không mấy mặn mà với loại vật liệu không nung này.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hầu hết các ngôi nhà của người dân ở dự án khu nhà ở thương mại Phúc Đạt tọa lạc tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương, đều được xây dựng bằng loại gạch đỏ truyền thống. Tình trạng này diễn ra tại hầu hết địa phương và các công trình.
Nguyên nhân do đâu?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Bình, chủ một công trình đang xây dựng tại Dự án khu dân cư Phúc Đạt cho biết, căn nhà là tài sản tích cóp cả đời mới xây được nên ai cũng muốn nó vững chắc. Do đó, việc sử dụng gạch nung vẫn là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn vật liệu xây dựng cho ngôi nhà.
“Tôi vẫn chưa nhận thấy gạch không nung có gì tốt hơn so với gạch nung như thời gian sử dụng, độ bền cơ học…, nên muốn thay thế gạch đỏ thì các doanh nghiệp sản xuất phải chứng minh được bằng thực tiễn. Chỉ khi nào dân thấy lợi ích thì mới dám sử dụng”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, anh Thắng, một chủ công trình tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, nhà được xây dựng bằng gạch không nung vào mùa Hè rất nóng vì nó hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt lâu. Còn mùa mưa thì dễ bị thấm, cho dù dùng sơn chống thấm tốt nhất vẫn bị nên ít người dùng.
“Gạch này ở quê tôi gọi là gạch ba banh, được sử dụng từ rất lâu rồi nhưng chất lượng không bằng gạch nung đất được. Bởi nó không ăn vữa bằng gạch đỏ, kích thước lớn hơn nên xây tường kép thì quá tốn diện tích, xây đơn thì mỏng, nên khe hở cho vữa càng ít dẫn tới chịu lực giằng kéo kém. Hơn nữa loại gạch này hút ẩm, giữ nước hơn gạch nung nên chủ yếu được dùng để xây bờ rào, công trình phụ”, anh Thắng chia sẻ.
Dưới góc độ là một kỹ sư xây dựng, anh Ngọc, hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần Xây dựng Phước Thành cho biết, với đa số người dân, tích cóp cả đời mới xây được căn nhà nên người dân đắn đo chọn lựa là điều dễ hiểu. Còn đối với các dự án cao tầng, theo quy định thì những công trình cao ốc phải sử dụng 80% là gạch không nung, nhưng vì xây bằng loại gạch này rất dễ bị nứt, vết nứt đó rất mất thẩm mỹ. Muốn xây không nứt thì lại làm gia tăng chi phí, gây tốn kém hơn cho chủ đầu tư so với việc sử dụng gạch nung. Do đó, nhiều chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính để sử dụng gạch đỏ truyền thống.
“Pháp luật hiện hành chỉ mới đưa ra mức phạt vi phạm hành chính chứ không bắt chủ đầu tư phải phá dỡ công trình vi phạm, nên nhiều chủ dự án chấp nhận bị phạt để đảm bảo chất lượng công trình”, kỹ sư Ngọc nói và cho biết thêm, theo quy định, chủ dự án sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 - 80.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu không nung. Mức phạt này đối với chủ đầu tư vẫn còn rẻ hơn việc đầu tư xây dựng bằng vật liệu không nung.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Tấn Công cho biết, vật liệu xây dựng không nung chưa được ứng dụng rộng rãi là do thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng. Bởi tâm lý của các “thượng đế”, vốn quen sử dụng các loại gạch nung truyền thống. Thói quen này đã tồn tại hàng trăm năm nay, nên việc thay đổi thói quen không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai…
Trong khi đó, các nhà sản xuất vẫn chưa chú trọng đến khâu quảng bá thương hiệu, cũng như chưa khẳng định được chất lượng sản phẩm nên người dân khó tiếp nhận. Bởi đối với những công trình dân dụng thì nhà thầu phải thiết kế và xây dựng theo yêu cầu của chủ nhà, công ty chỉ đưa ra tư vấn còn sử dụng gạch không nung hay không thì không quyết được
Theo ông Tấn, có một thực tế là hiện nay, có hiện tượng một số nhà thầu thi công xây dựng vẫn trà trộn vật liệu không nung của các đơn vị sản xuất thủ công, không đạt chất lượng, chưa tuân thủ quy định của pháp luật về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường theo quy định, nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường. Do đó, khi thi công đã xảy ra hiện tượng co ngót, rạn nứt hoặc tường bị thấm…
Ngoài vấn đề chất lượng, thêm một nguyên nhân nữa khiến gạch không nung khó tiêu thụ trên thị trường do nhiều thợ xây không muốn thi công bằng vật liệu này. Bởi nếu thi công bằng gạch đất nung bình thường, thao tác của người thợ dễ dàng hơn, khi cắt, chặt viên gạch rất dễ. Trong khi, nếu thi công bằng gạch không nung việc cắt, chặt rất khó, khối lượng viên gạch cũng lớn, nặng nề hơn... nên khi nói đến gạch không nung thì hầu như người thợ xây nào cũng tỏ thái độ thờ ơ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com