Giá tăng cao
Thời gian gần đây, giá vật liệu xây dựng trong nước có nhiều biến động, đặc biệt đối với cát xây dựng, tăng từ 5 - 10% so với quý I/2019 tùy khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá cát quý II tại khu vực miền Bắc khoảng 218.000 đồng/m3, tăng 9.500 đồng/m3; khu vực miền Trung khoảng 208.000 đồng/m3 tăng 20.000 đồng/m3; khu vực miền Nam khoảng 435.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3. Nguyên nhân tăng giá cát trong quý II/2019 là do vào mùa cao điểm xây dựng nên nhu cầu tăng; trong khi đó nguồn cung hạn chế, chi phí vận chuyển tăng do tăng giá xăng dầu tăng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá cát tại một số quận, huyện của TP.HCM rất khác nhau liên quan đến chính sách quản lý khai thác lỏng - chặt khác nhau ở mỗi địa phương, cũng như nghi vấn có bàn tay của đầu nậu trong khu vực.
Cụ thể, tại một điểm bán cát tại quận 12, chủ cửa hàng giới thiệu loại cát vàng dùng để xây dựng hiện có giá lên đến 1,7 triệu đồng/xe 4,4 m3, khoảng 400.000 đồng/m3. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi xe cát tăng 500.000 đồng. Tương tự, cát đen dùng để san lấp hiện lên đến 1,15 triệu đồng/xe 4,4 m3, trong khi giá năm ngoái khoảng 900.000 đồng/xe.
Vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng trong khi nguồn cát khan hiếm
Trong khi đó, tại khu vực quận 9, giá cát vàng xây dựng được bán với giá 350.000 đồng/m3, cát xây tô có giá 280.000 đồng/m3, cát san lấp là 270.000 đồng/m3, tùy quãng đường vận chuyển.
Một chủ bãi cát trên đường Nguyễn Xiển, quận 9 cho biết, cát vàng hiện rất khan hiếm. Bởi các tàu hút cát khu vực này giờ không dám ra sông hút khi chỉ cần nghe tiếng máy nổi ở sông là cảnh sát đường sông tới xử lý ngay. Đã có nhiều chủ thầu xây dựng tìm tới tận bãi, chấp nhận trả cao hơn giá bán cho các cửa hàng vật liệu nhưng chủ bãi vẫn không có đủ cát bán.
Anh Tấn, giám đốc một công ty xây dựng tại quận Thủ Đức chia sẻ, hiện tại, khu vực nào giá cát cũng tăng. Nhưng ở khu vực quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, có giá cao hơn khu vực dưới quận 9, Thủ Đức, quận 2. Nguyên nhân bởi khoảng cách xa nên chi phí vận chuyển cát từ Đồng Nai lên cũng cao hơn.
“Khan hiếm cát xây dựng đã làm chi phí xây nhà cụ thể là giá xây dựng phần thô tăng lên khoảng 15%. Chưa kể, trước đây khi lấy vật liệu thường thanh toán gối đầu nhưng nay muốn mua cát phải thanh toán tiền trước. Chính vì vậy, chủ thầu đang đau đầu xử lý vụ giá cát nhảy múa khiến lợi nhuận công ty gần như không còn”, anh Tấn nói
Giá cát tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà thầu lớn vì các nhà thầu đã ký hợp đồng cung cấp vật liệu dài hạn, có biên độ dao động giá phù hợp. Do có ràng buộc về giá vật tư trong hợp đồng, nên nhà cung cấp không thể tùy tiện tăng giá. Tuy nhiên, giá cát tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến các công trình nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng vì phía cung cấp sẽ đẩy giá lên cao mà không sợ bị ế hàng do nhu cầu cát xây dựng luôn luôn “nóng”.
Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Lâm, ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM, anh đang “đau đầu” với giá cát do chi phí xây dựng nhà tăng cao. Khi anh khởi công, giá cát chỉ hơn 300.000 đồng/m3. Nay nhà mới xây xong phần móng thì giá cát tăng vùn vụt khiến anh lo lắng về khoản chi phí phát sinh. Do đó, có thể anh sẽ phải bớt đi một số hạng mục công trình phụ so với thiết kế ban đầu để không phải nợ nần nhiều.
Nguyên nhân do đâu?
Theo anh Tấn, nguồn cát trên thị trường hiện nay là do các chủ tàu hút từ các nhánh sông Đồng Nai, Sài Gòn… Sau đó, các đầu nậu thu gom lại và vận chuyển vào TP.HCM bán cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, gần đây các địa phương như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và cả Long An đều tuyên bố mạnh tay với “cát tặc”, trong đó tỉnh Đồng Nai xử lý mạnh tay nhất với hàng loạt vụ xử lý.
Đồng Nai cũng là tỉnh có nguồn cát lớn nhất cung cấp cho thị trường xây dựng TP.HCM cùng một số tỉnh, thành phố lân cận khác nên nguồn cung khan hiếm đẩy giá nguyên liệu này tăng theo tuần.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ Đồng Nai mà TP.HCM hiện cũng đang rất “mạnh tay” đối với việc khai thác cát trái phép. Cụ thể, theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố không có mỏ cát san lấp, cát xây dựng nào được cấp phép khai thác. Thành phố chỉ chấp thuận đăng ký tận thu cho 5 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu cát để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng hiện cũng đã tạm dừng.
Đơn cử, Dự án “xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Đồng Nai đến rạch Ông Nhiêu" của Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước, triển khai từ năm 2012 và đã tạm dừng thi công từ tháng 9/2016; Dự án “xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp..” trên vùng biển huyện Cần Giờ của Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác cảng. Dự án thực hiện từ tháng 11/2015 và đã tạm dừng thi công từ tháng 6/2016…
Tương tự, Dự án “xã hội hóa nạo vét, nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu - Tắc Bài đến sông Gò Gia, của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Hưng Thịnh, hiện đang tạm dừng.
Thông tin từ UBND TP.HCM cũng cho biết, năm 2018 đã bắt, xử lý 69 vụ khai thác cát trái phép; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; tịch thu 16.000 m3 cát. Kiểm tra, xử lý 10 tổ chức cá nhân kinh doanh, vận chuyển cát trái phép với số tiền 414.000.000 đồng, tịch thu 630 m3 cát không có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, xác minh, thu thập, củng cố tài liệu chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét khởi tố 5 tổ chức có dấu hiệu mua bán hóa đơn để hợp pháp hóa nguồn cát không có nguồn gốc hợp pháp.
Từ đầu năm 2019 đến nay, bắt và xử lý 53 vụ với 65 phương tiện; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 786.000.000 đồng; tịch thu 3.516 m3 cát, 3 ghe bơm hút cát và chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố 2 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Nói về tình trạng khan hiếm cát xây dựng hiện nay, kiến trúc sư Nguyễn Văn Công, Công ty Kiến trúc xây dựng Công Tấn cho biết, ngoài việc chính quyền mạnh tay xử lý “cát tặc” thì do đang trong mùa xây dựng, cộng thêm giá các vật liệu xây dựng đều tăng, có loại tăng gần gấp đôi nên giá cát xây dựng năm nay cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. Chưa kể giá nguyên liệu vận chuyển và giá điện cũng tăng nên các đại lý phải điều chỉnh giá bán.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com