Từ nhiều năm nay, phát triển vật liệu xây dựng không nung là một chủ trương của Chính phủ nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kết quả của Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến nay vẫn rất khiêm tốn. Nguyên do là nhiều công trình sử dụng gạch không nung đã xuất hiện vết nứt, tách khối xây, khiến người dùng e ngại.
Ông Bình, chủ một công trình đang xây dựng tại Dự án khu dân cư Phúc Đạt, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, căn nhà là tài sản tích cóp cả đời mới xây được, nên ai cũng muốn nó vững chắc. Do đó, việc sử dụng gạch đỏ vẫn là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn vật liệu xây dựng cho ngôi nhà.
Đồng quan điểm, anh Thắng, một chủ công trình tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, nhà được xây dựng bằng gạch không nung vào mùa Hè rất nóng, vì nó hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt lâu. Còn mùa mưa thì dễ bị thấm và thường xuyên bị nứt.
“Gạch này ở quê tôi gọi là gạch ba banh, được sử dụng từ rất lâu rồi, nhưng chất lượng không bằng gạch nung đất được. Bởi nó không ăn vữa bằng gạch đỏ, kích thước lớn hơn, nên xây tường kép thì quá tốn diện tích, xây đơn thì mỏng, nên khe hở cho vữa càng ít, dẫn tới chịu lực giằng kéo kém. Hơn nữa, loại gạch này hút ẩm, giữ nước hơn gạch nung, nên chủ yếu được dùng để xây bờ rào, công trình phụ”, anh Thắng chia sẻ.
Dưới góc độ là một kỹ sư xây dựng, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Tấn Công cho biết, chính hiện tượng nứt tường xuất hiện dẫn đến tâm lý e ngại, không muốn sử dụng gạch không nung, không chỉ đối với gạch bê tông khí chưng áp (AAC), mà cả đối với gạch xi măng cốt liệu.
Theo ông Tấn, hiện tượng nứt tường khi sử dụng gạch không nung thường được chia làm 2 loại, nứt chân chim và nứt sâu xuyên qua tường. Theo đó, rạn nứt chân chim thường xuất hiện khi các vết trát không ăn sâu vào tường gạch không nung.
“Việc này thường xảy ra trong quá trình xây dựng các công trình nhà ở, bởi việc tô trát không kỹ, trộn vữa không đều, trát xi măng quá mỏng... về lâu dài có hiện tượng nứt nhẹ rất mất thẩm mỹ”, ông Tấn nói và cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến vết nứt sâu xuyên qua tường, nứt tại nơi tiếp giáp với cột bê tông là do kỹ thuật thi công đã không đặt hoặc đặt không đủ thép râu vào tường.
Để khắc phục tình trạng nứt chân chim, cần phải đục bỏ lớp vữa cũ theo vết nứt, xử lý kỹ, đủ ẩm và tô lại bằng vữa già xi măng, cát mịn. Nếu bị rộp thì cần đục bỏ lớp vữa ở mảng tường trát lại. Lớp hồ trát phải tối thiểu 7 ngày mới xử lý chà, trét, sơn nước. Sau khi xử lý có thể sơn hoàn thiện.
Còn đối với vết nứt sâu xuyên tường thì phải dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch…, sau đó sử dụng loại vữa đông cứng nhanh có bán sẵn để gắng. Cuối cùng, trát lại bằng vữa thông thường rồi sơn.
“Với công đoạn trát tường, chúng ta nên sử dụng xi măng có độ mịn cao, khả năng dẻo để hạn chế vết nứt và nâng cao độ thẩm mỹ. Do đó, nên chọn sử dụng những loại xi măng có mác thấp như MC25, PCB30…”, đại diện Công ty Tấn Công chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Hải, người phụ trách mảng xây dựng tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng CoPi Home cho biết, để hạn chế sự cố xây gạch không nung bị nứt, điều đầu tiên là nên mua gạch ở các cửa hàng, đại lý uy tín để đảm bảo chất lượng của gạch là tốt nhất. Đặc biệt, không xây lẫn gạch không nung với gạch đất nung.
“Để tiết kiệm chi phí, chúng ta có thể xây móng bằng gạch đất nung và tường bằng gạch không nung, nhưng tuyệt đối không đảo ngược lại cách xây này”, ông Hải nhấn mạnh.
Trường hợp các vết nứt đã lộ rõ thì tùy từng loại vết nứt sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu do vữa thì chỉ cần đục lớp vữa ra và trát lại. Nếu nứt tường do yếu tố kết cấu thì cần quan sát trong một khoảng thời gian nhất định để xem sự phát triển của vết nứt như thế nào nhằm xác định chính xác nguyên nhân. Từ đó, mới có biện pháp xử lý thích hợp và trong trường hợp này, việc xử lý phải do người có chuyên môn thực hiện mới hiệu quả.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com