Những yêu cầu kỹ thuật của tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm

(ĐTCK) Theo quy định tại Thông tư 107/2016/TT-BTC, tổ chức phát hành CW phải có trách nhiệm thực hiện các hoạt động bao gồm hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro.
Những yêu cầu kỹ thuật của tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm

Tiếp theo bài viết trình bày về các điều kiện để một công ty chứng khoán (CTCK) trở thành tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm (CW), cũng như việc chỉnh sửa Điều lệ, chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ đăng ký chào bán trình Đại hội đồng cổ đông, hoặc Hội đồng thành viên, hoặc chủ sở hữu thông qua (số 40, phát hành ngày 3/4/2017), trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số yêu cầu kỹ thuật khác của tổ chức phát hành CW liên quan đến các vấn đề về nghiệp vụ, hệ thống, nhân sự và đào tạo nhà đầu tư.

Các hoạt động nghiệp vụ bắt buộc của tổ chức phát hành CW

Theo quy định tại Thông tư 107/2016/TT-BTC, tổ chức phát hành CW phải có trách nhiệm thực hiện các hoạt động bao gồm hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro.

Hoạt động tạo lập thị trường

Kinh nghiệm khi đưa một sản phẩm mới vào giao dịch, để đảm bảo thị trường có đủ thanh khoản và không phát sinh các rủi ro cho nhà đầu tư nắm giữ các CW mà không thể giao dịch, thị trường cần đến vai trò của tổ chức tạo lập thị trường. Theo thông lệ tại các thị trường CW trên thế giới, tổ chức phát hành được phép kiêm nhiệm vai trò của tổ chức tạo lập thị trường và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Cụ thể hơn, Thông tư 107/2016 quy định, tổ chức phát hành CW có trách nhiệm phải thực hiện hoạt động tạo lập thị trường để tạo thanh khoản cho CW mà tổ chức đó phát hành.

Giao dịch tạo lập thị trường thực hiện trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành và phải tuân thủ theo quy chế của Sở GDCK. CW trong tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành dùng cho hoạt động tạo lập thị trường không được sử dụng để cầm cố, thế chấp, ký quỹ, cho vay, hoặc làm tài sản đảm bảo.

Hoạt động phòng ngừa rủi ro

Hoạt động này gắn liền với tên gọi của sản phẩm “covered warrant - CW”. Theo đó, thuật ngữ “Covered” phản ánh một thực tế là khi CTCK phát hành CW, họ sẽ phải thực hiện phòng ngừa rủi ro (Cover hoặc Hedge) bằng cách mua/bán chứng khoán cơ sở, hoặc giao dịch các chứng khoán có cùng chứng khoán cơ sở tương đương khác (phái sinh, ETF…) và đây cũng là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức phát hành CW tại Việt Nam.

Theo Thông tư 107/2016, giao dịch phòng ngừa rủi ro thực hiện trên một tài khoản giao dịch độc lập chỉ dành riêng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro, hoặc trên tài khoản tự doanh của tổ chức phát hành. Hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành bao gồm các giao dịch mua, bán, vay và các giao dịch khác phù hợp với quy định pháp luật. Tổ chức phát hành phải đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro cho CW đang lưu hành theo phương án phòng ngừa rủi ro đã nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại thời điểm đăng ký chào bán CW.

Các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân sự

Song song với việc đáp ứng các điều kiện ban đầu, để có thể phát hành sản phẩm CW một cách hiệu quả nhất, các CTCK cần có sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, mà trong đó, xây dựng và củng cố hạ tầng công nghệ đóng vai trò quan trọng. Mặc dù, CW được giao dịch tương tự như cổ phiếu, nhưng các CTCK phát hành CW cần chỉnh sửa và cải tiến hệ thống, để đảm bảo thực hiện các nghiệp vụ theo quy định sau khi phát hành CW như phòng hộ rủi ro, quản trị rủi ro và tạo lập thị trường.

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành CW cũng phải tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, nhằm tạo lợi thế khi thiết kế sản phẩm, cũng như thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường cho sản phẩm. Đặc biệt, đối với nghiệp vụ phòng hộ rủi ro, tổ chức phát hành phải đảm bảo có tối thiểu 1 nhân viên tại bộ phận quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động phát hành CW có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, hoặc chứng chỉ phân tích tài chính bậc II (CFA level II).

Phổ biến kiến thức và đào tạo cho nhà đầu tư

CW là sản phẩm mới có tính đòn bẩy và rủi ro cao hơn so với đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, nên đòi hỏi nhà đầu tư tham gia thị trường CW phải có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm. Theo kinh nghiệm tại các thị trường quốc tế, thị trường CW sẽ phát triển hiệu quả nhất khi trình độ nhà đầu tư được nâng cao và đặc biệt, phải thực sự am hiểu về các rủi ro mà CW có thể mang lại.

Do đó, vấn đề đào tạo nhà đầu tư là một công tác cần được chú trọng nhất và đòi hỏi rất nhiều tâm huyết đầu tư về thời gian, công sức của cơ quan quản lý, Sở GDCK và đặc biệt là các tổ chức phát hành trong quá trình phát triển thị trường CW.

Trong hoạt động này, tổ chức phát hành CW cần triển khai trên nhiều phương diện khác nhau, từ các tài liệu, website, video phổ biến kiến thức, đến chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản, tọa đàm, hội thảo..., cũng như mở rộng với nhiều đối tượng nhà đầu tư khác nhau trên thị trường. Theo kinh nghiệm tại thị trường CW Đài Loan, các CTCK sẽ góp một quỹ chung dùng để hỗ trợ một bên thứ ba độc lập (Hiệp hội CW Đài Loan) đào tạo nhà đầu tư, việc này giúp giảm thiểu chi phí so với các CTCK tự thực hiện đào tạo riêng lẻ.

Kỳ sau: HOSE sẵn sàng cho sản phẩm mới - CW

Sở GDCK TP.HCM (HOSE)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục