Các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam
Thực tiễn phát triển của TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy, công cụ phái sinh là một sản phẩm tài chính tất yếu trong tiến trình phát triển của thị trường tài chính. Các sản phẩm phái sinh ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau và thị trường giao dịch các công cụ này giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính.
Tại Việt Nam, với sự biến động khó lường của giá cả hàng hóa, lãi suất, tỷ giá, các nghiệp vụ phái sinh đã được phát triển đầu tiên trên thị trường phi tập trung (OTC) và thường được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại.
Trong đó, phái sinh tiền tệ là loại công cụ phái sinh xuất hiện sớm nhất (ví dụ: hợp đồng hoán đổi tiền tệ USD/VND), diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng, với khách hàng là các doanh nghiệp, cá nhân hoặc các định chế tài chính.
Sắp tới, vào quý II/2017, TTCK phái sinh tập trung tại Việt Nam dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, với 2 sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu VN30 và HNX30) và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm) cho phép nhà đầu tư mua/bán tài sản cơ sở với thời điểm giao hàng và mức giá được xác định trước.
Cách thức giao dịch của sản phẩm hợp đồng tương lai trên TTCK phái sinh tương tự như thị trường cổ phiếu, tuy nhiên nhà đầu tư có thể thực hiện bán khống hợp đồng tương lai (vốn không được phép trên thị trường cơ sở). Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm giao dịch T + 0, hiệu ứng đòn bẩy cao (7 - 10 lần), thanh toán và chốt lãi/lỗ trong ngày.
Cùng với sự ra đời của TTCK phái sinh, vào quý III/2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ giới thiệu sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (sản phẩm có tính chất như hợp đồng quyền chọn).
Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Cover Warrants) cung cấp cho nhà đầu tư quyền mua hoặc bán cổ phiếu cơ sở tại mức giá và thời điểm xác định trong tương lai. Chứng quyền được niêm yết và giao dịch tương tự như cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán và mang lại hiệu ứng đòn bẩy cao (khoảng 7 lần) cho nhà đầu tư khi tham gia. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ một khoản phí nhỏ ban đầu để có thể tham gia giao dịch chứng quyền và tận hưởng sự biến động của cổ phiếu cơ sở.
Nhà đầu tư được lợi gì?
Sản phẩm phái sinh cung cấp công cụ phòng vệ rủi ro đối với các nhà đầu tư mong muốn bảo vệ mình trước những biến động bất lợi về giá trị tài sản của họ. Chiến lược này sẽ giúp trung hòa tác động khi tài sản cơ sở biến động ngược kỳ vọng của nhà đầu tư. Ví dụ: nhà đầu tư mua trái phiếu Chính phủ và bán hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ do lo sợ biến động giá giảm. Nếu thị trường thực sự giảm điểm trong tương lai thì phần lãi từ việc bán hợp đồng tương lai sẽ bù đắp cho phần giảm giá của danh mục tài sản cơ sở.
Với mục đích đầu cơ rủi ro, nhà đầu tư không nắm giữ tài sản cơ sở nhưng muốn đặt cược vào khả năng tăng/giảm của tài sản cơ sở. Chiến lược này cho phép nhà đầu tư đặt cược vào chiều biến động (tăng hoặc giảm) trong thời gian tới của tài sản cơ sở. Cùng với hiệu ứng đòn bẩy của sản phẩm (tỷ lệ ký quỹ thấp) chiến lược đầu cơ rủi ro cho phép lợi suất của nhà đầu tư tăng đáng kể theo tỷ lệ đòn bẩy. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lường trước khả năng thua lỗ lớn khi chiều biến động ngược với kỳ vọng.
Ngoài ra, việc giao dịch công cụ phái sinh trên sàn giao dịch tập trung như HNX, HOSE sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro đối tác do các công cụ phái sinh được chuẩn hóa và cơ chế thanh toán của sản phẩm thông qua Đối tác bù trừ trung tâm (tại Việt Nam là Trung tâm Lưu ký chứng khoán - VSD). Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đóng vai trò người mua đối với mọi người bán và người bán đối với mọi người mua, do đó đảm bảo thanh toán cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.