Với hơn 16 năm phát triển, cùng những mốc thời gian thăng trầm của thị trường, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu đáng mừng cho TTCK Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư, CW sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ loại hàng hóa có tính đòn bẩy cao này bằng việc áp dụng linh hoạt nhiều chiến lược đầu tư theo ý muốn của mình: đầu cơ, phòng vệ vị thế và quản lý danh mục đầu tư.
Là một TTCK Việt Nam còn non trẻ, với sự tham gia của hơn 99% nhà đầu tư cá nhân, việc đưa những sản phẩm cấu trúc cao cấp đến với thị trường thực sự là một vấn đề còn nhiều trăn trở đối với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, CW với lợi thế chi phí đầu tư thấp và được giao dịch đơn giản, tương tự như cổ phiếu, sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư không chuyên.
Đối với các công ty chứng khoán, việc tham gia phát hành CW sẽ tạo điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh và gia tăng doanh thu cho chính mình, chẳng hạn: nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, môi giới với nhiều nguồn khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. Quy định về tổ chức phát hành phải thực hiện tạo lập thị trường cho CW của chính mình cũng là bước chuẩn bị hiệu quả để các công ty chứng khoán có thể tích lũy kinh nghiệm, trở thành các tổ chức tạo lập thị trường cho phái sinh, cũng như thị trường cổ phiếu tại Việt Nam trong tương lai.
CW ra đời tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo một bước nhảy vọt trong quá trình tái cấu trúc và cải thiện chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán nói chung. Để có thể phát hành sản phẩm thành công, tổ chức phát hành CW phải tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống, cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại, nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm. Hơn nữa, khi CW đi vào hoạt động và đón nhận được những tín hiệu tốt, cũng như sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán chưa đủ điều kiện sẽ cố gắng để có thể đủ tiêu chuẩn phát hành.
Điều này góp phần cải thiện mặt bằng chung về năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian trên TTCK. Bên cạnh đó, việc ra đời sản phẩm này cũng góp phần thu hút sự gia nhập và cạnh tranh của những công ty chứng khoán có vốn nước ngoài có kinh nghiệm hơn về CW và chứng khoán phái sinh.
Thị trường CW được triển khai sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK nói chung, vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Đặc biệt, sản phẩm chứng quyền bán (put warrant) được giao dịch trên thị trường sẽ xóa tan các định kiến về TTCK Việt Nam, vốn được đánh giá là thị trường giao dịch một chiều. Khi giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư ồ ạt mua vào và ngược lại, khi giá cổ phiếu giảm, nhà đầu tư bán tháo như một cách nhấn chìm giá thị trường. CW cũng được kỳ vọng mang lại một luồng gió mới cho khối nhà đầu tư ngoại, trong việc nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, mà nếu chỉ giao dịch bằng cổ phiếu vật chất, các cổ phiếu chưa nới room ngoại là những rào cản lớn.
Theo nghiên cứu và đánh giá tại thị trường Hồng Kông và Đài Loan, việc triển khai và giao dịch CW không những chưa ghi nhận tác động tiêu cực lên thị trường cổ phiếu, mà ngược lại, nó có tác động thúc đẩy giao dịch trên thị trường này. Chính vì vậy, phát triển thị trường CW sẽ góp phần thúc đẩy thanh khoản, đồng thời từng bước giúp thị trường cổ phiếu tăng trưởng ổn định và bền vững.
Mặc dù với rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển, CW vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà các nhà đầu tư, hay chính những tổ chức phát hành luôn phải đối mặt. Việc CW được phát hành bởi các công ty chứng khoán cũng là một vấn đề đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro từ phía nhà đầu tư, bởi khi các nhà phát hành gặp khó khăn về tài chính có thể ảnh hưởng đến việc thanh toán chi trả cho nhà đầu tư. Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, Thông tư 107/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 đã có những quy định thiết thực nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành.
Hơn nữa, thị trường CW chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau. Vì vậy, vấn đề đào tạo nhà đầu tư là một công tác cần được chú trọng nhất và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong quá trình phát triển thị trường CW trên thế giới, mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Hoạt động này cần triển khai trên nhiều phương diện khác nhau, từ các tài liệu, website, video phổ biến kiến thức, đến chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản, tọa đàm, hội thảo để trao đổi cởi mở giữa cơ quan quản lý và các đối tượng nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.
Phân biệt CW với một số sản phẩm chứng khoán khác
Cùng với CW, quyền chọn (option) và chứng quyền công ty (traditional/equity warrant) là những sản phẩm có một số đặc điểm tương đồng, song về bản chất, đây là những sản phẩm khác nhau. Vậy, giữa các sản phẩm này có những điểm chung gì? Làm sao để phân biệt được các sản phẩm này trên TTCK?
Có thể nói, điểm chung dễ thấy nhất đối với cả 3 sản phẩm trên là người sở hữu sẽ có quyền (mà không phải nghĩa vụ) được mua cổ phiếu cơ sở với mức giá được xác định trước tại một thời điểm đã được ấn định. Vậy, giữa chúng khác nhau như thế nào? Làm sao để phân biệt? Chúng ta sẽ xem xét những yếu tố chính dưới đây.
- Tổ chức phát hành: nếu như quyền chọn cổ phiếu là sản phẩm được Sở GDCK thiết kế với các điều khoản được chuẩn hóa, thì CW chỉ được phát hành bởi các tổ chức tài chính (thường là các công ty chứng khoán), trong khi chứng quyền công ty là sản phẩm thường được các công ty niêm yết phát hành và thường được phát hành kèm theo việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Bên cạnh đó, khi phát hành các sản phẩm, Sở GDCK không thu bất cứ khoản phí nào cho việc thiết kế và niêm yết quyền chọn cổ phiếu, trong khi tổ chức phát hành chứng quyền thu được khoản tiền từ việc bán CW.
- Tài sản cơ sở: Tài sản dùng làm cơ sở cho cả quyền chọn và CW bao gồm nhiều loại như: cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán, ETF, tiền tệ..., hay các loại hàng hóa khác. Trong khi đó, tài sản cơ sở cho chứng quyền công ty chỉ là cổ phiếu phổ thông của chính công ty đó.
- Giá thực hiện: Cả quyền chọn cổ phiếu và CW đều có thể có nhiều mức giá thực hiện, tùy thuộc vào từng điều kiện đã được xác lập trước đó cho mỗi đợt phát hành, còn chứng quyền công ty chỉ có một mức giá thực hiện.
- Vị thế giao dịch: Khi niêm yết, đối với quyền chọn cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán quyền chọn khi không sở hữu những quyền chọn này, còn đối với CW hay chứng quyền công ty, nhà đầu tư chỉ được bán chứng quyền khi đã sở hữu nó.
- Điều khoản của sản phẩm: Điều khoản của quyền chọn cổ phiếu được các Sở GDCK thiết kế dựa trên những điều khoản đã được chuẩn hóa về cấu trúc, quy mô, điều khoản về thực hiện quyền và chuyển giao tài sản cơ sở, trong khi đối với CW và chứng quyền công ty, những điều khoản của sản phẩm sẽ do tổ chức phát hành (công ty chứng khoán hay công ty niêm yết) quy định, và những điều khoản này có thể sẽ khác nhau đối với từng sản phẩm mà họ phát hành.
- Chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền: Quyền chọn cổ phiếu là hợp đồng giữa một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính sẵn sàng mua cổ phiếu, với một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính cũng sẵn sàng bán cổ phiếu tại một mức giá cụ thể. Vì vậy, khi thực hiện quyền, việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi các nhà đầu tư. Đối với CW, do tổ chức phát hành là các tổ chức tài chính (công ty chứng khoán), nên việc chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền được tiến hành bởi công ty chứng khoán với những người sở hữu CW.
Đối với chứng quyền công ty, khi đến hạn, những người sở hữu chứng quyền muốn thực hiện quyền sẽ yêu cầu công ty phát hành thêm cổ phiếu mới và việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi công ty phát hành với nhà đầu tư. Một điểm khác biệt nữa giữa các sản phẩm này, đó chính là khi thực hiện quyền bằng chuyển giao tài sản cơ sở, quyền chọn cổ phiếu và CW không làm gia tăng vốn đối với tổ chức phát hành tài sản cơ sở, ngược lại, vốn của tổ chức phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư sở hữu chứng quyền công ty sẽ gia tăng.
Sự phát triển của thị trường và sự ra đời của các sản phẩm mới cho phép nhà đầu tư có nhiều lựa chọn công cụ đầu tư, mà CW cũng không là ngoại lệ. Nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức tốt về sản phẩm, nắm bắt xu hướng thị trường, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân, từ đó tìm ra được các chiến lược đầu tư phù hợp nhất đối sản phẩm đầy hấp dẫn này.