Từ sai thông số lốp xe...
Ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, riêng với mảng bảo hiểm xe là những phản ứng của khách hàng khi bị từ chối với lý do thông số lốp xe của khách hàng thực tế tại thời điểm xảy ra tổn thất sai lệch so với thông số ghi nhận trên giấy chứng nhận kiểm định đã cấp cho xe.
Khách hàng Phạm Biển Ngọc (TP. Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai) là chủ xe Toyota Land Cruiser bị tai nạn ngày 11/11/2018 phản ánh, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do khách hàng sử dụng lốp xe sai cỡ.
Anh Phan Hữu Linh (Khu đô thị Linh Ðàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ở tình trạng tương tự là phía nhà bảo hiểm lấy lý do chiếc xe lắp sai cỡ vành để từ chối bồi thường đối với chiếc xe Audi Q5 gặp tai nạn tối ngày 7/3/2019.
Một trường hợp khác là người tham gia bảo hiểm xe Mitshubishi Pajero biển kiểm soát 12A-010.54 bị từ chối vì sai thông số lốp, giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định hết hạn ở thời điểm tai nạn.
3 trường hợp trên chỉ là số ít ví dụ cho nhiều trường hợp khác trong một thị trường bảo hiểm có tới 29 nhà bảo hiểm và theo ghi nhận của phóng viên, không ít trường hợp như vậy đã xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lý do mà các nhà bảo hiểm đưa ra giải thích cho việc từ chối bồi thường đó là các công ty bảo hiểm căn cứ vào Ðiểm đ, Khoản 6, Ðiều 9, Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định hết hiệu lực khi: “Thông số kỹ thuật thực tế của xe không phù hợp với thông số kỹ thuật trên giấy chứng nhận kiểm định”.
Theo đó, giấy chứng nhận đăng kiểm là cơ sở để so sánh với thực tế của xe tại thời điểm tai nạn. Khi có thông số sai như cỡ lốp, cỡ vành… thì tổn thất của xe nằm trong điểm loại trừ theo Quy tắc Bảo hiểm xe cơ giới của các hãng bảo hiểm.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản như vậy thì chuyện không có nhiều điều để nói. Hầu hết trường hợp khách hàng bảo hiểm khiếu nại với lý do từ chối bồi thường… thiếu căn cứ.
Chẳng hạn như với trường hợp của chủ xe Audi Q5 ở trên, hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên không có điểm loại trừ nào, đơn vị bảo hiểm đã dựa vào một điểm loại trừ không được hai bên ký kết để từ chối bồi thường.
Ngoài ra, khách hàng cũng cho rằng, Thông tư 70/2015 quy định về từ chối bồi thường trong trường hợp “không phù hợp”, chứ không quy định là “không trùng khớp”.
Việc kết luận giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) mất hiệu lực là quyền và trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, không phải là thẩm quyền của bên bảo hiểm.
Trong số những vụ việc trên, không ít vụ việc vẫn đang dùng dằng, chưa thể giải quyết dứt điểm.
... Ðến khiếu nại liên quan tới cơ quan giám định
Cũng là bảo hiểm xe, nhưng tranh chấp giữa ông Lê Quốc Phong, chủ xe ô tô biển kiểm soát 38A-178.75 trong vụ tai nạn ngày 6/1/2019 tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với đơn vị bảo hiểm lại có một diễn biến khác và hiện vẫn chưa giải quyết xong vì lý do phải xác minh danh tính lái xe.
Diễn biến vụ việc đã được Báo Ðầu tư Chứng khoán phản ánh hồi đầu tháng 11/2019, lý do từ chối bồi thường là sự khác tên của người lái xe khi khai báo bảo hiểm qua đường dây nóng và biên bản của bên công an.
Theo nguồn tin từ đại diện khách hàng thì đơn vị bảo hiểm hiện đang làm rõ thông tin với Công an Cẩm Xuyên.
Trong khối nhân thọ cũng có một câu chuyện tương tự liên quan tới cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể là khách hàng (trú tại huyện Tháp Mười, Ðồng Tháp) tranh chấp với đơn vị bảo hiểm vì tai nạn lao động trong khi làm vườn tại nhà.
Nhà bảo hiểm đã có quyết định từ chối bồi thường một phần hậu quả của tai nạn đó, căn cứ giấy ra viện để áp tỷ lệ chi trả bảo hiểm, còn khách hàng thì coi đây là việc bồi thường sai do nhầm lẫn của nhân viên giám định.
Kết qủa vụ việc này “có hậu” hơn cho khách hàng khi với sự trợ giúp pháp lý của một đơn vị độc lập đã tiến hành giám định lại mức độ thương tật tại Trung tâm Giám định y khoa, từ đó lập hồ sơ yêu cầu nhà bảo hiểm bồi thường.
Vụ việc đã được giải quyết, khách hàng đã được bồi thường tổng cộng 400 triệu đồng.
Với khối bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh xuất hiện lại các trường hợp từ chối bồi thường gây phản ứng với lý do không khai báo trung thực bệnh có sẵn, thì còn có những trường hợp người thân chỉ có… khóc khi thân nhân bị tử vong do tai nạn cần xác nhận của công an huyện, chứ không phải công an xã!
Nhà bảo hiểm cho rằng, theo quy định thì cấp xã không có thẩm quyền xác nhận tử vong, trong khi khách hàng viện dẫn quy định này không hề được đề cập trong hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa hai bên.
Khách hàng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình
Theo các chuyên gia bảo hiểm, ngoài những ca bồi thường bảo hiểm thành công nhờ sự công tâm, khách quan, trách nhiệm của nhà bảo hiểm, vẫn còn không ít trường hợp tưởng chừng như vô phương bởi sự thờ ơ của nhà bảo hiểm cùng các bên liên quan.
Dù nhà bảo hiểm thường không có chủ trương cố tình tìm cách để từ chối chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng, nhưng sự tắc trách của nhân viên bảo hiểm vẫn có thể xảy ra.
Trong trường hợp này, để tránh xảy ra những tranh chấp, kiện tụng và thiệt thòi cho mình, khách hàng cần tự trang bị kiến thức về bảo hiểm, tìm hiểu các trường hợp bị từ chối, lưu ý trước khi ký hợp đồng thì cần đọc kỹ các điều khoản loại trừ để hiểu rõ trong trường hợp nào thì bảo hiểm nhân thọ từ chối bồi thường.
Ðồng thời, khách hàng cần phải yêu cầu nhân viên bảo hiểm giải thích đầy đủ về các điều khoản loại trừ này, thậm chí, sử dụng luật sư, đơn vị tư vấn pháp lý kiểm tra kỹ hợp đồng khi cần.
Ðược biết, trên thị trường hiện đã có đơn vị kiểm tra hợp đồng miễn phí.
Bởi thực tế, trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho người tham gia bảo hiểm đi đòi bồi thường, vẫn có không ít trường hợp bất thường, tưởng chừng như "vô phương cứu chữa", nhưng nhờ có đơn vị tư vấn mà vẫn được bồi thường.
Theo ông ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA, khách hàng nên có tư vấn độc lập giám sát các đại lý bảo hiểm giao kết hợp đồng khi mua bảo hiểm và nên ủy quyền cho các văn phòng luật chuyên ngành bảo hiểm thay mình lập hồ sơ bồi thường nếu thấy việc bồi thường chưa thỏa đáng.
Năm qua, vụ bồi thường bảo hiểm chìm tàu ở Côn Đảo vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do những rắc rối liên quan đến nguyên nhân “phá nước” dù thời điểm tàu cá chìm xảy ra từ năm trước.
Cụ thể, Bảo hiểm Xuân Thành lấy lý do "tàu bị chìm là do bị phá nước” để từ chối bồi thường. Tàu cá này bị chìm từ ngày 7/4/2018.
Điều khiến khách hàng phản ứng là bởi 1 ngày sau thời điểm tàu cá bị chìm, ông Trí (chủ tàu) đã thông báo cho nhân viên bán bảo hiểm của Bảo hiểm Xuân Thành - Chi nhánh Đồng Tháp (tên Tâm), để yêu cầu nhà bảo hiểm cử người ra gấp hiện trường, vì lúc này tàu vẫn còn (nhưng 3 ngày sau đã bị sóng đánh vỡ), song không nhận được hồi âm.
Gần 10 ngày sau, nhân viên giám định của Công ty TNHH Giám định Bảo Định (Badinco) mới ra Tiền Giang để thu nhận thông tin từ thuyền trưởng và các thuyền viên.
Quá trình giám định kéo dài trong nhiều tháng. Trong quá trình giám định, Badinco được cho là đã mắc nhiều lỗi như không ra hiện trường tàu đắm, không lập báo cáo hiện trường, lập biên bản khống về thành phần tham dự các cuộc họp giám định, lập báo cáo giám định không dựa trên tình hình thời tiết thực tế...
Khách hàng cho rằng, việc Bảo hiểm Xuâ Thành chỉ dựa vào kết luận giám định của Badinco để ra thông báo từ chối trả tiền hơn 3 tỷ đồng tiền bảo hiểm là sai nguyên tắc.
Đồng thời, việc lấy lý do "phá nước" để từ chối bảo hiểm cũng không hợp lý bởi đây là từ địa phương, không phải ngôn ngữ chính thức trong các văn bản pháp luật liên quan tới bảo hiểm tàu.
Còn phía nhà bảo hiểm thì lập luận, sự vụ diễn ra ngày 6/4/2018, nhưng đến ngày 16/4/2018 mới nhận được thông báo tổn thất chính thức và ngày 18/4/2018, Công ty đã cho giám định tổn thất.
Quá trình giám định kéo dài là do bên giám định cần có thời gian để lấy lời khai của các thuyền viên (tổng số là 13 người, đến từ nhiều nơi khác nhau), cũng như ghi nhận ý kiến của các bên lên quan.
Hơn nữa, việc tiếp cận hiện trường ngay lập tức, nhất là với tai nạn xảy ra tại nơi xa xôi như hải đảo hay vùng biển quốc tế là không đơn giản.
Nhà bảo hiểm cũng cho rằng, khách hàng chỉ mua bảo hiểm rủi ro định danh, nghĩa là chỉ bảo hiểm cho các rủi ro có trong bộ quy tắc bảo hiểm, trong đó không có rủi ro "phá nước".
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Trí thông tin, loại bảo hiểm mà ông mua là bảo hiểm rủi ro loại A, đồng nghĩa với việc bảo hiểm cho mọi loại rủi ro.
Mặt khác, khi ký hợp đồng bảo hiểm, ông không nhận được bộ quy tắc bảo hiểm đính kèm và trong hợp đồng cũng không ghi rõ, nên ông không biết về các điều khoản loại trừ.
Đến nay, vụ việc vẫn chưa có hồi kết. Tòa án Huyện Cao Lãnh đã thụ lý hồ sơ vụ việc này.