Những phụ nữ biến đam mê khoa học thành tiền

Từ niềm đam mê khoa học kỹ thuật, những nữ doanh nhân trẻ này đã đem những “bí kíp” của mình để truyền cảm hứng, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có thể trở thành những nhà phát minh trong tương lai.
Những phụ nữ biến đam mê khoa học thành tiền

Đồ trang sức in 3D lấy cảm hứng từ khoa học

Erin Winick và Emily Huber – 2 sinh viên kỹ thuật 21 tuổi tại Đại học Florida (Mỹ) – đều rất yêu thích trò chơi xếp hình Lego và mong muốn được truyền cảm hứng cho nhiều trẻ em về những kỹ năng STEM (viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Để làm được điều đó, họ đã kết hợp khoa học với thời trang và cho ra mắt startup chuyên về đồ trang sức trực tuyến Sci Chic vào tháng 10/2015. Tất cả những món trang sức của Sci Chic đều lấy cảm hứng từ khoa học, chẳng hạn như dây chuyền bảng mạch, hoa tai nguyên tử, hoa tai DNA… Họ tạo ra những sản phẩm này bằng phương pháp in 3D trên 2 chiếc máy. Và 1 trong 2 chiếc máy in này do chính Emily Huber chế tạo ra.

Những phụ nữ biến đam mê khoa học thành tiền ảnh 1

Emily Huber và Erin Winick - đồng sáng lập Sci Chic 

Erin Winick và Emily Huber sẽ tốt nghiệp vào tháng 12 tới và cho biết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của Sci Chic, dù họ sẽ làm công việc gì đi nữa. “Nếu Sci Chic phát triển tốt, tôi sẽ dồn toàn thời gian và công sức cho nó”, Huber nói.

Hai chị em đam mê dạy robotics cho trẻ em

“Trẻ em thích sáng tạo. Hãy trao cho chúng công cụ, chúng sẽ tạo ra thứ gì đó” là triết lý của startup giáo dục STEM Center USA, do Melissa Jawaharlal (23 tuổi) và em gái là Lavanya Jawaharlal (21 tuổi) sáng lập vào tháng 10/2011.

Có trụ sở tại thành phố Claremont (bang California, Mỹ), STEM Center USA cung cấp những kiến thức cơ bản về robotics (thiết kế, lắp ráp, lập trình và điều khiển robot) cho trẻ em thông qua những chương trình học ngoài giờ, các lớp học được tổ chức hàng tuần và cả những trại hè.

Những phụ nữ biến đam mê khoa học thành tiền ảnh 2

Các học viên nhí tại STEM Center USA 

Ban đầu, Melissa và Lavanya Jawaharlal chỉ mở một câu lạc bộ ngay phòng khách và mời bạn bè đến để cùng chế tạo robot. 6 năm sau, công ty startup của 2 chị em đã có doanh thu vượt qua 3 triệu USD.

Nhà sản xuất máy tabletop CNC

Khi vừa có bằng Tiến sĩ ngành Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Danielle Applestone đứng trước 2 lựa chọn: đầu quân cho Hãng Tesla hoặc đảm nhận một dự án của chính phủ về thiết kế và phát triển máy tabletop CNC (tabletop là máy “lai” giữa máy tính bảng và máy tính để bàn, CNC là viết tắt của Computer Numerical Control - hệ thống máy tiện được điều khiển bằng máy tính, giúp tạo nên đồ vật theo thiết kế sẵn với độ chuẩn xác cao) tại các phòng học cho học sinh.

Một bên là theo đuổi công việc mơ ước, một bên là truyền cảm hứng cho những thế hệ kỹ sư trẻ, đặc biệt là những trẻ em gái vùng nông thôn giống mình, Danielle Applestone – nữ tiến sĩ 35 tuổi lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Arkansas, người đầu tiên tốt nghiệp đại học trong gia đình - đã lựa chọn con đường thứ hai. “Đó là quyết định sáng suốt nhất tôi từng thực hiện”, Applestone cho biết.

Khi dự án kết thúc vào năm 2013, Danielle Applestone vẫn tiếp tục duy trì đội ngũ của mình và sáng lập Other Machine – công ty khởi nghiệp hiện có khoảng 20 nhân viên với một nửa là phụ nữ. Sản phẩm chủ đạo của Other Machine là máy tabletop CNC và một phần mềm độc quyền giúp khách hàng tự thiết kế và tạo nên đồ vật từ các chất liệu nhựa, gỗ hoặc kim loại.

Nữ kỹ sư xây dựng muốn "hóa giải" quan niệm sai lầm về nghề kỹ sư

Lớn lên ở bang Nebraska (Mỹ) – nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, Pam Dingman đã sớm quan tâm đến tác động của bão lên cộng đồng và cả cơ sở hạ tầng. Vì thế, cô chọn học ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và có kinh nghiệm 8 năm làm việc tại nhiều công ty.

Năm 2003, Dingman thành lập Hãng tư vấn Engineering Design Consultants ở thành phố Lincoln, Nebraska. 2 năm sau, cô mua một công ty xây dựng nhỏ và trở thành một trong số ít phụ nữ sở hữu một công ty xây dựng dân dụng tại Mỹ. Cách đây 2 năm, Pam Dingman trở thành nữ kỹ sư đầu tiên được làm việc cho hạt Lancaster (thuộc bang Nebraska), chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng.

Những phụ nữ biến đam mê khoa học thành tiền ảnh 3

Pam Dingman - nhà sáng lập Engineering Design Consultants 

Đặc biệt, Pam Dingman còn mời gọi nhiều phụ nữ trẻ khác hỗ trợ công việc và tiếp bước mình. “Nhiều trẻ em từ nhỏ đã nghĩ rằng nghề kỹ sư ý chỉ những người cả ngày ngồi cặm cụi trong một góc phòng để làm việc với hàng đống giấy tờ, tôi muốn giúp họ thấy rằng công việc này thực sự thú vị hơn nhiều”, Dingman chia sẻ.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục