Những nhóm ngành nhà đầu tư có thể “chọn mặt gửi vàng” trong năm 2025

(ĐTCK) Nền kinh tế dự báo tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với triển vọng nâng hạng thị trường sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2025. Các chuyên gia phân tích chia sẻ góc nhìn về những ngành, lĩnh vực có thể “chọn mặt gửi vàng”.

Kỳ vọng có sóng cổ phiếu địa ốc trong nửa đầu năm

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Cổ phiếu ngành bất động sản có triển vọng sáng trong năm 2025. Nhiều phân khúc thị trường ấm lên trong năm 2024. Doanh nghiệp triển khai được dự án, thanh khoản tốt hơn và pháp lý được đẩy nhanh giúp giải phóng hàng tồn kho. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bán sỉ dự án giúp sớm mang lại dòng tiền.

P/B các doanh nghiệp nhóm bất động sản đang ở quanh mức 1 lần, thậm chí một số doanh nghiệp có P/B dưới 1 lần, tức dưới giá trị sổ sách. Định giá cổ phiếu bất động sản đang thấp là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích sản.

Doanh nghiệp bất động sản dự báo sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng từ cuối năm 2025. Thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến thực tế, nên kỳ vọng trong nửa đầu năm 2025 sẽ có sóng cổ phiếu bất động sản. Chúng tôi quan tâm tới cổ phiếu của các doanh nghiệp có lợi thế dòng tiền dồi dào, có quỹ đất tốt, sẵn sàng triển khai dự án.

Cổ phiếu công nghệ, xuất khẩu, logistics, bán lẻ rộng dư địa

Ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank

Gần đây, Chính phủ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như hợp tác với Nvidia. Đây là một cách giúp Việt Nam có thể gia tăng sức cạnh tranh khi lợi thế nguồn lao động giá rẻ dần mất đi. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ cao giúp Việt Nam mở ra cơ hội trong dài hạn đưa nền kinh tế chuyển dịch lên vùng tăng trưởng mới, đột phá hơn. Theo đó, các cổ phiếu nhóm ngành công nghệ, ngành sản xuất phục vụ công nghệ hưởng lợi. Khi nền kinh tế có điểm sáng tăng trưởng, niềm tin tiêu dùng tốt hơn mở ra cơ hội cho cổ phiếu bán lẻ.

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam, một số ngành nghề hưởng lợi như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, logistics…

Nhà đầu tư cũng có thể chú ý đến cổ phiếu ngân hàng, với định giá còn rẻ và triển vọng thu hút dòng vốn ngoại tích cực nếu TTCK được nâng hạng, dù ngành này còn một số rủi ro như NIM thu hẹp, nợ xấu gia tăng.

Đầu tư công là điểm sáng

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, dựa trên ba động lực: đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu. Mặt bằng lãi suất sẽ nhích lên nhưng dự báo vẫn ở mức thấp hơn trước giai đoạn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là rủi ro chính và khó lường nhất tới thị trường chứng khoán trong nước.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán nếu đi theo chu kỳ 4 năm thì đến tháng 3/2025, có thể khởi đầu cho một chu kỳ tăng mới.

Về nhóm ngành tiềm năng, đầu tư công là điểm sáng khi ngân sách đầu tư công năm 2025 dự kiến tăng 17% so với năm 2024, tập trung vào các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo phát triển mạnh. Các doanh nghiệp ngành thép, hoá chất, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn; trong đó, nhà đầu tư có thể quan tâm tới các cổ phiếu: HPG, HSG, DGC, VGC, CTD. Lời khuyên cho nhà đầu tư năm 2025 là chuẩn bị cho biến động mạnh, theo cả hai chiều tăng hoặc giảm do có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro khách quan.

Đánh giá tích cực với nhóm bất động sản, năng lượng, logistics, ngân hàng, bán lẻ…

Ông Hoàng Huy, Giám đốc, Phòng Nghiên cứu Khách hàng tổ chức, Maybank Investment Bank

Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế 2025 thông qua các biện pháp tài khóa, thay vì tiền tệ, do áp lực tỷ giá USD/VND và nhu cầu tín dụng tăng. Nợ công thấp (34% GDP so với mức trần 60%) tạo điều kiện mở rộng đầu tư công, với 790.000 tỷ đồng phê duyệt cho năm 2025 (tăng 17% so với cùng kỳ) và dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD được thông qua.

Mặc dù tiêu dùng nội địa còn yếu, nhưng sức mua vẫn tiềm năng nhờ các chính sách kích cầu, như giảm lệ phí trước bạ ô tô thúc đẩy doanh số tăng 39% (tháng 9 - 11/2024). Chúng tôi đánh giá tích cực về triển vọng của các ngành bất động sản nhà ở, năng lượng, khu công nghiệp, logistics, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin, trong khi trung lập với nhóm đồ uống, thép, hóa chất. Các cổ phiếu chúng tôi khuyến nghị gồm HPG, FPT, VCB, TCB, STB, KDH, GMD, MCH, PNJ, FRT.

Triển vọng cho năm 2025 đến từ 3 động lực tăng trưởng: lợi nhuận, định giá và tăng trưởng.

Về lợi nhuận, các công ty sẽ tăng trưởng đồng đều hơn giữa các ngành trong năm 2025 sau hai năm đầy biến động (2023 - 2024). Tổng lợi nhuận của thị trường chung dự phóng tăng trưởng 17,1% trong năm 2025 (so với 16,9% trong năm 2024), được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước phục hồi, bù đắp cho sự suy giảm của nhu cầu của các yếu tố bên ngoài.

Về định giá, thị trường đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 13,4 lần.

Thanh khoản kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ triển vọng nâng hạng thị trường, trở lại vùng 20.000 tỷ đồng/phiên. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ duy trì dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2025 trước khi tăng tốc trong nửa cuối năm 2025.

Nhiều nhóm ngành hưởng lợi

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam

Năm 2025, chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Bên ngoài, chu kỳ nới lỏng tiền tệ được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi động từ tháng 9/2024. Lộ trình hạ lãi suất có thể sẽ chậm lại, theo công bố mới nhất của Fed; tuy nhiên, “nới lỏng” vẫn là trọng tâm trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong năm 2025.

Trong nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng (mặt bằng lãi suất phù hợp) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khoá, đẩy mạnh đầu tư công, với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 cũng như trong dài hạn.

Chính sách phát triển thị trường chứng khoán cũng ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thị trường chứng khoán gần như đáp ứng đủ điều kiện nâng hạng của FTSE trong năm 2025 và phấn đấu được MSCI nâng hạng trong năm 2026.

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 20 - 25% so với tăng trưởng 18 - 20% năm 2024. So sánh tương quan với các thị trường tài sản trong nước thì thị trường chứng khoán nổi lên là kênh có nhiều tiềm năng khi định giá đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, sẽ có một vài yếu tố cần chú ý, như Trung Quốc mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh chính sách tài khoá nhằm thích ứng với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Chính sách thuế mà ông Trump dự kiến áp dụng với các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ là một ẩn số với nền kinh tế Việt Nam. Dòng vốn ngoại chưa sớm trở lại vì lãi suất tại Mỹ vẫn còn cao. Quá trình trở lại của khối ngoại có thể phụ thuộc vào kết quả nâng hạng của chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.

Hầu hết những khó khăn thách thức sẽ diễn ra trong giai đoạn đầu năm 2025 và được kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực hơn sau đó. Quý II và III/2025 sẽ là thời điểm thuận lợi cho sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các ngành kỳ vọng được hưởng lợi dự báo gồm: nhóm hồi phục theo chu kỳ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, cảng biển, logistics; nhóm “ăn theo” đầu tư công, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đã kinh doanh ổn định ở các thị trường Mỹ, EU… có khả năng thay thế hàng Trung Quốc (chịu thuế cao) vào thị trường Mỹ

Hải Yến - Kiều Trang ghi nhận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục