Kỳ vọng nâng hạng vào năm 2025, thị trường có thể thu hút 1,5-2 tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vào giai đoạn hiện tại, điều nhiều nhà đầu tư quan tâm là cơ hội những tháng cuối năm 2024, triển vọng cho năm 2025 gắn với các ngành nghề tiềm năng, cũng như câu chuyện nâng hạng thị trường.
Kỳ vọng nâng hạng vào năm 2025, thị trường có thể thu hút 1,5-2 tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu

Chiến thuật nào hợp lý?

Từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index đã có 4 lần chưa thể vượt qua mốc 1.300 điểm và hiện chỉ số vẫn đang tiếp tục giằng co dưới ngưỡng kháng cự này. Thanh khoản hiện tại cũng đã giảm sút nhiều so với giai đoạn trước, cho thấy tâm lý thị trường đang e dè.

Gần đây, thị trường đang có những thuận lợi nhất định để tạo tiền đề cho chuyển biến sau này như Fed hạ lãi suất điều hành; tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang trên đà hồi phục; Bộ Tài chính đã gỡ được vấn đề prefunding và kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, việc thiếu những thông tin mạnh như hệ thống giao dịch mới, nâng hạng thị trường… để thu hút dòng tiền, nên thị trường chưa thể phá vỡ xu hướng giằng co tích lũy trong ngắn hạn.

Bên cạnh việc chờ các yếu tố thị trường thuận lợi hội tụ để hình thành xu hướng tăng điểm tiếp theo, các nhà đầu tư có thể lưu ý một số điểm trong chiến thuật đầu tư.

Về cổ phiếu đầu tư, chúng tôi đánh giá ngành và các cổ phiếu đầu ngành dự báo có triển vọng tích cực trong 2024 như: công nghệ thông tin, ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, cảng biển… vẫn có triển vọng khá tích cực.

Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư có thể lựa chọn phương thức trading ngắn hạn trong khoảng giá thay cho hoạt động nắm giữ dài hạn nhằm tận dụng các nhịp tăng giảm biên độ, theo đó cân nhắc chốt lãi khi VN-Index tiến đến mốc 1.300 điểm và cân nhắc bắt đáy ở các nhịp chỉnh về gần 1.200 điểm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên hạn chế sử dụng đòn bẩy khi xu hướng chưa rõ ràng và dòng tiền chưa tăng trưởng.

Trong môi trường vĩ mô toàn cầu, có thể thấy, khi các ngân hàng trung ương đi vào giai đoạn cắt giảm lãi suất, thì hoạt động kinh tế vĩ mô sẽ dần dần được cải thiện, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp cởi bỏ gánh nặng chi phí lãi vay, để tham gia tìm kiếm dòng vốn nhằm tăng trưởng mở rộng sản xuất. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng, môi trường kinh tế đang tốt, nền kinh tế đang bước vào chu kỳ mới sẽ khiến cho thị trường chứng khoán sôi động hơn, các doanh nghiệp niêm yết mới và hoạt động tăng vốn sẽ đẩy nhanh hơn.

“Bão tiền” đổ bộ

Trong kỳ review tháng 9/2024 vừa qua, FTSE Russell vẫn tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng. Tổ chức này đã ghi nhận những cải thiện và nỗ lực thay đổi của từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc đưa ra các chính sách để cải thiện những điểm mà FTSE đã nhấn mạnh trong kỳ review trước đó. Vì vậy, BSC đánh giá rằng kỳ review gần nhất vào tháng 3/2025 và quan trọng hơn là kỳ review vào tháng 9/2025 sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE.

Dựa trên các thông tin tích cực về việc nâng hạng thị trường chứng khoán, có thể dự báo năm 2025 sẽ là một năm có nhiều chuyển biến đáng chú ý. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút từ 1,5 – 2 tỷ USD từ các quỹ đầu tư toàn cầu, đặc biệt là từ các quỹ ETF và các quỹ đầu tư chủ động. Điều này có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Dự báo của BSC về quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dự báo của BSC về quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 1.280 điểm với giá trị giao dịch trung bình 9 tháng đầu năm 2024 đạt 16,27 tỷ USD. Với kỳ vọng của dòng vốn ngoại cũng như dòng tiền mới gia nhập thị trường sau khi nâng hạng, BSC dự báo VN-Index sẽ vượt xa ngưỡng cản 1.300 điểm và thanh khoản có thể tăng thêm từ 30 - 50% trong năm 2025.

Tuy nhiên, để thu hút dòng tiền mới và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài một cách bền vững, Việt Nam cần cải thiện được những thách thức còn tồn tại như: quy trình mở tài khoản chưa tinh gọn, vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, pre-funding, tỷ lệ free-float thực tế thấp, cơ chế cấp margin cho nhà đầu tư nước ngoài, khả năng tiếp cận thông tin (vấn đề công bố thông tin song ngữ)…

Thị trường sẽ sôi động cả trước khi nâng hạng

Chúng tôi cho rằng, các yếu tố nền tảng của thị trường như vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu dân số và sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự hòa nhập nhanh vào chuỗi sản xuất quốc tế, và cơ hội ở nhiều ngành nghề mới là nền tảng chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được coi như chất xúc tác thu hút dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Những nỗ lực nâng hạng của của Việt Nam thời gian gần đây đã được các tổ chức xếp hạng thị trường công nhận dù còn một số hạn chế cần cải thiện để có thể được nâng hạng trong các năm tiếp theo. Trong báo cáo gần nhất, FTSE Russell vẫn duy trì Việt Nam trong danh sách tiềm năng (Watch list) nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market) kể từ tháng 09/2018.

Dựa trên các nhận xét của các tổ chức nâng hạng và qua trao đổi với các quỹ nước ngoài, BSC chỉ ra những tồn tại lớn cần cải thiện như: nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu bao gồm hệ thống giao dịch mới, mô hình đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán cơ sở, các các sản phẩm mới (bán khống, hợp đồng quyền chọn, day-trading…; thiếu vắng “hàng hóa” chất lượng trên thị trường; những ràng buộc về cơ sở pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài: quy trình mở tài khoản, vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, pre-funding, tỷ lệ free-float thực tế thấp, cơ chế cấp margin cho nhà đầu tư nước ngoài…; chất lượng trong quản trị, minh bạch của các công ty niêm yết: chất lượng công bố thông tin (song ngữ), chuẩn mực quản trị công ty; cơ chế giám sát, quản trị rủi ro các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường và vấn đề tự do hóa trên thị trường ngoại hối.

BSC cũng ghi nhận được những mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường vốn Việt Nam, đó là tháo gỡ những ràng buộc về pháp lý để thuận lợi khi tham gia thị trường, trong đó có một số vấn đề nổi bật gồm: rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn FII, cơ chế để giải quyết pre-funding khi mua cổ phiếu…; khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên phân bổ vốn vào các thị trường Emerging thay vì Frontier; khả năng tiếp cận thị trường: vấn đề pre-funding, về thông tin, khả năng sở hữu cổ phiếu (room-ngoại/doanh nghiệp mới)…; lộ trình triển khai các sản phẩm mới trên thị trường: bán khống, day-trading, options… và một số nhóm ngành nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm lớn như ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, y tế…

Cùng với cải thiện của các yếu tố nền tảng, sự cải thiện các tiêu chí thị trường theo hướng minh bạch, tiện ích và bảo vệ nhà đầu tư sẽ là những yếu tố tạo nên sự tiên quyết để khối ngoại thực sự đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam một cách bền vững và lâu dài.

Liên quan đến vấn đề nâng hạng, BSC đánh giá lại những đợt gần nhất mà FTSE Russell nâng hạng cho các thị trường chứng khoán khác, trong đó có một số thị trường cũng khá nổi bật gần đây như thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, thị trường Ả Rập Xê Út, thị trường Qatar… Theo đó, có một đặc điểm chung tại các thị trường này là không phải đến khi FTSE Russell công bố quyết định, thị trường chứng khoán mới có sự thay đổi về mặt điểm số hay thanh khoản, mà thông thường thị trường sẽ sôi động trước đó, thậm chí là trước cả năm. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng chuyển sang bán ròng khi thông tin nâng hạng được công bố chính thức.

Nhóm nghiên cứu phân tích của BSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục