Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Sau nhiều năm nỗ lực nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý. Quan sát từ Dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ASEAN Corporate Governance Scorecard ACGS), việc cập nhật Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, các nghị định và thông tư hướng dẫn cho thấy khung pháp lý của Việt Nam nhanh chóng được hoàn thiện, và so với các quốc gia trong khu vực thì đang ở mức khá đầy đủ.
Tuy nhiên, thực tế thị trường vốn Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề về mức độ minh bạch thấp của doanh nghiệp, vấn đề quản trị và vai trò mờ nhạt của các nhà đầu tư tổ chức.
TS. Nguyễn Thu Hiền, Chuyên gia Quản trị công ty Phát triển bền vững Trường ĐH Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM |
Thứ nhất, mức độ minh bạch thấp của doanh nghiệp: Điểm số quản trị công ty của doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines trong gần 15 năm qua, phần lớn do thực hành công bố thông tin yếu kém.
Thứ hai, quản trị công ty còn khá nhiều vấn đề: Cơ cấu, tính độc lập, vai trò trách nhiệm của Hội đồng quản trị, mô hình kiểm soát, minh bạch sở hữu và quản trị, thực hành chi trả cổ tức cho cổ đông.
Thứ ba, vai trò mờ nhạt của nhà đầu tư tổ chức: Các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản tại Việt Nam chưa thể hiện được vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện quản trị công ty.
Trong hệ sinh thái thúc đẩy sự hoàn thiện của thị trường vốn, nhà đầu tư tổ chức không chỉ đóng vai trò là nhà cung ứng vốn lớn trong thị trường tài chính mà còn là một lực lượng thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị công ty hiệu quả. Vai trò này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang phấn đấu nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn để hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Điểm nhấn và kỳ vọng về vai trò của nhà đầu tư tổ chức
Từ năm 2015, G20/OECD đã cập nhật bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty (G20/OECD Principles of Corporate Governance), bổ sung chương mới “Định chế đầu tư, thị trường chứng khoán, và các trung gian tài chính khác” nhấn mạnh kỳ vọng về vai trò của các nhà đầu tư tổ chức trong hệ sinh thái thị trường vốn.
Theo đó, các nhà đầu tư tổ chức không chỉ là những người nắm giữ cổ phần, mà còn là đối tác chiến lược, tham gia vào việc giám sát và thúc đẩy các chuẩn mực quản trị tốt. Điều này được kỳ vọng sẽ làm tăng giá trị dài hạn cho doanh nghiệp và cả thị trường.
Nhà đầu tư tổ chức có vai trò cốt lõi trong các vấn đề như: Thúc đẩy quản trị tốt thông qua việc tham gia vào các cuộc họp cổ đông, biểu quyết vì lợi ích dài hạn của cổ đông; Giám sát trách nhiệm thông qua thực hiện quyền giám sát đối với ban lãnh đạo, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và minh bạch; Đại diện cổ đông nhỏ: Lên tiếng bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, ngăn chặn các hành vi thao túng hoặc lợi ích nhóm trong công ty.
Hệ sinh thái thị trường vốn và sự phát triển qua các giai đoạn
Hệ sinh thái thị trường vốn gồm bốn thành phần chính: Nhà lập pháp, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán thường trải qua ba giai đoạn: Sơ khai, mới nổi và phát triển.
Giai đoạn sơ khai: Nhà đầu tư cá nhân là lực lượng chủ yếu, thanh khoản thấp và thiếu các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Giai đoạn mới nổi: Xuất hiện nhà đầu tư tổ chức ngày càng gia tăng dù ở mức độ hạn chế, với vai trò ổn định thị trường và tạo chiều sâu thanh khoản.
Giai đoạn phát triển: Hệ sinh thái được hoàn thiện, các cơ chế như tòa án, trọng tài, và luật pháp chuyên biệt được áp dụng hiệu quả. Vai trò của nhà đầu tư tổ chức trở nên nổi bật trong việc thúc đẩy minh bạch và quản trị tốt.
Bài học từ khu vực ASEAN
Tại Malaysia, từ năm 2000, Tổ chức Giám sát quyền lợi nhà đầu tư nhỏ (MSWG) được thành lập để bảo vệ cổ đông nhỏ và thúc đẩy quản trị tốt. Đến năm 2014, Hội đồng Nhà đầu tư tổ chức Malaysia (MIIC) ra đời, tạo diễn đàn để các nhà đầu tư lớn cùng lên tiếng nhằm nâng cao thực hành quản trị công ty tại các doanh nghiệp đại chúng.
Từ năm 2016, cả hai nước Thái Lan và Singapore đã ban hành Bộ Quy tắc Trách nhiệm giám sát của các quỹ đầu tư. Các nhà đầu tư tổ chức tại đây được khuyến khích tích cực tham gia vào quản trị công ty thông qua biểu quyết, đối thoại với lãnh đạo công ty và công bố các chiến lược đầu tư có trách nhiệm.
Philippines và Indonesia mặc dù chưa thành lập các tổ chức và hiệp hội nhà đầu tư tổ chức, nhưng chính phủ và các cơ quan quản lý tại đây đã tăng cường đào tạo và khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức vào các cơ chế bảo vệ cổ đông, và khuyến khích cải thiện công khai thông tin về hoạt động đầu tư có trách nhiệm của họ.
Như vậy có thể thấy, nhà đầu tư tổ chức là nhân tố quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái thị trường vốn và nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam. Học hỏi từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, kết hợp với việc thiết kế các giải pháp phù hợp với bối cảnh trong nước, sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch, an toàn và hấp dẫn hơn.
Trong dài hạn, đây chính là con đường thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thị trường nhanh hơn, thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
"Ủy ban Chứng khoán Thái Lan đã soạn thảo Bộ quy tắc trách nhiệm giám sát áp dụng cho các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức (gọi tên là Bộ quy tắc nhà đầu tư tổ chức I-Code) với mục đích nâng cao cam kết đầu tư có trách nhiệm của nhà đầu tư tổ chức. Bộ quy tắc trở nên có tác dụng rất hữu ích, thu hút được hơn 77 chữ ký tuân thủ cam kết thực hiện của các quỹ đầu tư và các định chế tài chính, đại diện cho giá trị vốn hoá quản lý là 311 tỷ USD tại thị trường chứng khoán Thái Lan. Thông qua sự cam kết của nhà đầu tư tổ chức, quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết của Thái Lan không ngừng được giám sát và nâng cao hiệu quả".
Phát biểu của bà Sireethorn Civilize, Phó vụ trưởng, Vụ Quản lý chính sách đầu tư, Uỷ ban Chứng khoán Thái Lan tại Diễn đàn Bộ quy tắc trách nhiệm giám sát, Quản trị công ty và Phát triển bền vững, tại Hà Nội ngày 3/12/2024