Thu hẹp khoảng cách quản trị công ty giữa doanh nghiệp Việt Nam và khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN và thấp hơn mức độ trung bình trong Chương trình đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS).
Thu hẹp khoảng cách quản trị công ty giữa doanh nghiệp Việt Nam và khu vực

Mặt bằng quản trị công ty thấp

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về quản trị công ty ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.

Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Quản trị công ty được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quản trị công ty (yếu tố G) gắn với ESG giờ đây đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp, và là công cụ đo lường hành động và cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường (yếu tố E) và xã hội (yếu tố S). Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược phát triển bền vững.

Tuy nhiên, mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN và thấp hơn mức độ trung bình trong Chương trình đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS).

Bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc chuyên môn Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, chất lượng quản trị công ty Việt Nam tăng từ thấp lên trung bình trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang đứng ở mức thấp và kém xa so với nhiều nước ASEAN khác.

Quan sát từ thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, quản trị công ty Việt Nam so với khu vực có nhiều vấn đề cần cải thiện. Trong đó, phần mà Việt Nam đang yếu nhất theo lần đánh giá gần nhất là “Thực thi trách nhiệm của hội đồng quản trị”, với các cấu phần như tính đa dạng của thành viên HĐQT, tính độc lập để đưa ra các ý kiến đảm bảo lợi ích, cũng như bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ, các uỷ ban chuyên trách để giảm sát hoạt động của HĐQT.

Bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc chuyên môn Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc chuyên môn Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

"Theo dự đoán của chúng tôi, trong lần đánh giá lần này, 3 điểm yếu nhất vẫn là các vấn đề: Thứ nhất, vai trò HĐQT. Thứ hai, đảm bảo quyền và đối xử công bằng với cổ đông. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành họp đại hội đồng cổ đông với cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, sử dụng e-voting (bỏ phiếu điện tử) để đảm bảo tất cả các cổ đông, kể cả cổ đông nhỏ lẻ có quyền tham gia vào đại hội cổ đông. Nhưng tại Việt Nam thì điều này vẫn chưa phổ biến, khiến cổ đông nhỏ bị giới hạn về mặt địa lý khó có thể tham gia đại hội cổ đông. Yếu tố thứ ba mà chúng ta bị đánh giá yếu là thực hành về phát triển bền vững. Đây là 3 điểm then chốt mà trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ còn rất nhiều việc để cải thiện”, bà Hiền cho biết.

Chia sẻ thêm về câu chuyện đánh giá quản trị công ty tại thị trường Việt Nam ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, ở cấp khu vực, Việt Nam đã tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS). Mặc dù điểm số đã cải thiện tích cực, nhưng Việt Nam liên tiếp giữ thứ hạng thấp trong cả 7 kỳ đánh giá và điểm quản trị công ty bình quân luôn dưới mức trung bình.

Tại mỗi kỳ đánh giá ACGS, 100 doanh nghiệp tại mỗi quốc gia tham dự sẽ được lựa chọn để chấm điểm. Tuy nhiên, do tình trạng công bố thông tin bằng tiếng Anh còn hạn hẹp, lần đánh giá gần nhất (năm 2021), Việt Nam chỉ có thể lựa chọn 87 doanh nghiệp tham gia chấm điểm. Chưa kể, khoảng cách về thực hành quản trị và công bố thông tin của các doanh nghiệp rất lớn, vậy nên điểm trung bình bị kéo xuống thấp.

“Thậm chí, năm 2024, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn được 69 doanh nghiệp tham gia chương trình đánh giá do chưa đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng báo cáo. Trong bối cảnh này, yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cho thị trường Việt Nam cần thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược và được ưu tiên hàng đầu”, ông Long cho biết.

Sáng kiến VNCG50 thúc đẩy thông lệ quản trị tốt

Tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) có chủ để: “Đầu tư vào Quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hoá thị trường” sẽ diễn ra ngày 5/12/2024, VIOD lần đầu tiên công bố sáng kiến Thẻ điểm VNCG50.

Là đối tác chuyên môn có kinh nghiệm tham gia đánh giá quản trị công ty cho cả Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (VLCA) và ACGS trong nhiều năm, VIOD đã đưa ra sáng kiến xây dựng Thẻ điểm VNCG50 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) ủng hộ, là cơ sở bước đầu xây dựng Bộ chỉ số chuyên về quản trị cho doanh nghiệp niêm yết (lộ trình là năm 2025). Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về quản trị công ty tại Việt Nam.

Theo ông Phan Lê Thành Long, trong bối cảnh nền tảng quản trị công ty tại thị trường Việt Nam còn yếu, cần xây dựng một Bộ tiêu chí Quản trị công ty để cải thiện và tiệm cận với mức điểm quản trị công ty bình quân trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng bộ chỉ số VNCG50 và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)

VNCG50 sẽ được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ các Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.

Bộ tiêu chí này đánh giá thực hành quản trị công ty dành cho các doanh nghiệp niêm yết, chủ yếu dựa trên các thông lệ tốt trong khu vực, từ đó giúp đề cử 50 doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và cam kết đảm bảo các thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt.

Thẻ điểm VNCG50 nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cải thiện thực hành quản trị công ty theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách thực hành quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, nâng điểm ACGS lên mức trung bình, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, tăng tính minh bạch và thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, thẻ điểm VNCG50 cũng tạo tiền đề xây dựng Bộ chỉ số VNCG50.

Lý giải rõ hơn về việc vì sao chọn VNCG50 mà không phải con số khác, Tổng giám đốc VIOD cho biết, theo quy định, Việt Nam cần chọn 100 doanh nghiệp để tham gia đánh giá ACGS, song năm nay chỉ chọn được 69 doanh nghiệp. Lý do bởi yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin, đặc biệt là báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, song không phải 100% doanh nghiệp đáp ứng, thậm chí có doanh nghiệp dù công bố thông tin bằng tiếng Anh nhưng chất lượng quản trị còn thấp. Do vậy, nếu đưa cả những doanh nghiệp này vào đánh giá thì điểm bình quân của Việt Nam sẽ thấp.

Ngược lại, nếu chọn dưới 50 doanh nghiệp cho Bộ thẻ điểm VNCG thì sẽ không đủ số lượng để có thể hướng đến mục tiêu nâng điểm ACGS bình quân của Việt Nam lên mức trung bình khối ASEAN. Sau khi khi phân tích số liệu, kết quả chấm điểm của ACGS, hội đồng VNCG đã thống nhất chọn con số 50.

Ông Phan Lê Thành Long cho biết thêm, năm 2024, VNCG50 được công bố theo dạng sáng kiến và sẽ nâng cấp lên bộ chỉ số VNCG50 vào năm 2025 - 2026. Bộ chỉ số sẽ trở thành tham chiếu cho hoạt động đầu tư, nhờ vậy, những doanh nghiệp nằm trong danh sách này sẽ có lợi ích lớn khi có sức hấp dẫn với dòng tiền đầu tư.

Theo quy trình, dựa trên rổ VNX Allshare, các doanh nghiệp sẽ được rà soát về thực hành công bố thông tin về quản trị và Báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, xem xét việc tham gia đánh giá ACGS 3 năm gần nhất và từ đó đề cử ra 64 doanh nghiệp lên Hội đồng đánh giá lựa chọn. Sau khi đánh giá, 50 doanh nghiệp được chọn sẽ lọt vào danh sách VNCG50.

Ông Long nhấn mạnh, cải thiện quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Theo đó, việc công bố VNCG50 nhằm mục tiêu lớn nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được nâng hạng, mà còn thu hút thành công dòng vốn mới, chất lượng vào thị trường.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục